Phía Sơn Hải cho biết cắm biển bảo hành 10 năm để người dân tham gia giao thông được giám sát không thể gọi là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Mới đây, tập đoàn Sơn Hải đăng một thông báo về vụ việc phá hoại biển bảo hành 10 năm của công ty này trên cao tốc đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Theo đó, doanh nghiệp này đã có đơn tố giác tội phạm gửi Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an thị xã Nghi Sơn. Hiện nay, cơ quan công an đang vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, những ngày qua một số thông tin báo chí đưa không đúng bản chất của sự việc nói rằng: “Tập đoàn Sơn Hải cắm biển bảo hành 10 năm là trái quy định pháp luật” hay “Biển bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải là tài sản nhà nước đã được Nhà nước thanh toán các biển này rồi”
Tập đoàn Sơn Hải khẳng định như sau: Đầu tiên, ngày 14/7/2014, Sơn Hải có văn số 306/CV-TĐSH gửi Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cam kết bảo hành 5 năm. Sau khi nhận được văn bản của Sơn Hải, Bộ GTVT đã giao về cho Chủ đầu tư để ký hợp đồng thực hiện bảo hành 5 năm. Việc bảo hành của chúng tôi đã được cắm biển trên tuyến đường trong suốt thời gian bảo hành 5 năm đó.
Tiếp theo, ngày 25/10/2022, Sơn Hải đã có bản số 289/CV-TĐSH gửi Bộ Giao thông vận tải cam kết bảo hành 10 năm công trình trong đó có nội dung “công khai cắm biển bảo hành 10 năm cho người dân tham gia giao thông được giám sát” . Sau khi nhận được văn Bản của công ty, Bộ GTVT cũng giao về các chủ đầu tư để ký hợp đồng với chúng tôi thực hiện bảo hành 10 năm công trình.
Trong nội dung phụ lục hợp đồng ký với Chủ đầu tư có nội dung: “Phụ lục hợp đồng này là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện công khai nghĩa vụ bảo hành công trình” . Trước lúc đưa vào sử dụng, Sơn Hải đã cắm 9 biển bảo hành 10 năm trên đoạn tuyến công ty thực hiện. Từ khi đưa vào khai thác sử dụng đến nay đã hơn 1 năm. Theo quy định của Pháp luật về xây dựng, việc bảo hành công trình là sự thỏa thuận và ký hợp đồng giữa chủ đầu tư với Nhà thầu. Việc ký hợp đồng và cắm biển bảo hành 10 năm trên công trình là không trái quy định pháp luật và đã có tiền lệ, trước đây Bộ đã giao, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Nhà thầu và Nhà thầu đã thực hiện hoàn thành bảo hành 5 năm đó. Như vậy việc cắm biển bảo hành 10 năm để người dân tham gia giao thông được giám sát không thể gọi là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ hai, tập đoàn Sơn Hải cho biết biển bảo hành 10 năm là nhà thầu tự bỏ kinh phí ra để đầu tư. Việc này nằm ngoài khối lượng, giá trị theo hồ sơ thiết kế mà chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu. Khi nghiệm thu bàn giao cho Chủ đầu tư không có tài sản 9 biển bảo hành 10 năm này, không thể nói rằng 9 biển bảo hành 10 năm này là tài sản của nhà nước được.
Thứ ba, việc cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến đường bảo hành 10 năm là nghĩa vụ của tập đoàn Sơn Hải. Đó là cam kết của Sơn Hải với Bộ GTVT có nội dung: “công khai cắm biển bảo hành 10 năm cho người dân tham gia giao thông được giám sát” và đã ký phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư có nội dung: “Phụ lục hợp đồng này là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện công khai nghĩa vụ bảo hành công trình”. Đây là trách nhiệm của Sơn Hải để thực hiện nghĩa vụ bảo hành chứ không phải là quảng cáo.
“Ngoài nội dung bảo hành 10 năm để người dân giám sát, trên biển bảo hành không có bất kỳ nội dung nào liên quan đến Tập đoàn Sơn Hải thì sao gọi là Sơn Hải quảng cáo? Quảng cáo cái gì ở đây?.” , Phía Sơn Hải đặt vấn đề.
Thứ tư, đây là biển bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải có thêm thông tin của dự án như tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, tên dự án. Tập đoàn cho biết không phải là biển báo hiệu giao thông của Nhà nước, do vậy không thể xem đây là biển báo giao thông.
Thứ năm, công ty cũng cho biết đến tại thời điểm này, biển bảo hành 10 năm trên dự án Nghi Sơn – Diễn Châu đã tồn tại hơn 1 năm. Tập đoàn Sơn Hải chưa nhận được văn bản nào của chủ đầu tư cũng như cơ quan Nhà nước yêu cầu tháo dỡ biển bảo hành 10 năm.
“Việc bảo hành 5 năm rồi lên 10 năm thay vì 1 năm, 2 năm như áp dụng quy định tối thiểu hiện nay, đó là ý thức, trách nhiệm của chúng tôi muốn xây dựng cho đất nước những công trình tốt và đẹp. Người dân được hưởng lợi, nhà nước tiết kiệm rất lớn tiền duy tu bảo dưỡng trong 08 năm chúng tôi tăng nghĩa vụ bảo hành lên. Một công trình xây dựng tốt và đẹp thì phải có giá thành cao trong lúc nhà nước cũng chỉ thanh toán đơn giá theo hợp đồng. Như vậy, Chúng tôi đã giảm đi lợi nhuận để đầu tư thiết bị, công nghệ và chi phí tăng thêm trong quá trình xây dựng. Thiết nghĩ, Việc công khai cắm biển bảo hành để người dân được giám sát là đáng được hoan nghênh, nhân rộng, nhưng thực tế người ta lại đối xử với Chúng tôi như vậy” , đại diện Sơn Hải khẳng định.