Đã từng có thời, tuyển Việt Nam mang tới sức hút cực lớn, mỗi trận đấu ở sân Mỹ Đình đều cháy vé, thậm chí vé “chợ đen” bị đẩy lên cao gấp 5-7 lần. Nhưng giờ đây, mọi chuyện thứ đã thay đổi.
18 triệu đồng cho 1 cặp vé xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Đó là con số từng gây sốc với chúng tôi khi khảo sát giá vé “chợ đen” cho trận chung kết AFF Cup 2018, bởi nó gấp tới 15 lần giá gốc (1,2 triệu/cặp vé khán đài A, B).
Có cầu ắt có cung. Những tấm vé dù được hét giá cao chót vót nhưng sau đó đều được bán hết, với minh chứng là cả 4 khán đài sân Mỹ Đình không còn một chỗ trống trong ngày tuyển Việt Nam đăng quang.
Hiệu ứng này còn kéo dài trong những năm tiếp theo, với việc mỗi trận đấu của ĐTQG và U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đều nhận được sự quan tâm lớn. Sân Mỹ Đình những ngày ấy thực sự là “chảo lửa” của bóng đá Việt Nam.
Sân Mỹ Đình là điểm tựa trong quãng thời gian thăng hoa dưới thời thầy Park của bóng đá Việt Nam.
Nhưng những ngày tươi đẹp ấy dần trôi qua. Thành tích bết bát dưới thời HLV Troussier, cùng màn trình diễn chưa thực sự ấn tượng của người kế nhiệm Kim Sang-sik khiến niềm tin dành cho tuyển Việt Nam dần sụt giảm. Những khán đài trống vắng, vé xem ế ẩm, hiệu ứng đi xuống, đó là những điều được nhìn thấy rõ.
Và rồi tới khi tuyển Việt Nam không thể thi đấu ở sân Mỹ Đình tại vòng bảng AFF Cup 2024, câu chuyện càng trở nên đáng bàn. Ban quản lý sân chắc chắn đã biết về lịch thi đấu của giải, các bên liên quan có lẽ cũng đều nắm được quy định của AFF về việc các sân vận động không được tổ chức sự kiện tối thiểu 21 ngày trước khi giải đấu diễn ra để đảm bảo chất lượng mặt cỏ, nhưng rồi cuối cùng, sân Mỹ Đình vẫn được cho thuê để tổ chức show ca nhạc “Anh Trai Say Hi” vào ngày 7/12.
Điều này dẫn đến việc VFF phải tính đến việc đưa 2 trận gặp Indonesia (15/12) và Myanmmar (21/12) về sân Việt Trì (Phú Thọ). Và đến thời điểm hiện tại, phương án trên gần như đã được ấn định.
Ban đầu, VFF đăng ký tuyển Việt Nam phải thi đấu AFF Cup 2024 tại sân Mỹ Đình. Nhưng rồi kế hoạch sau đó buộc phải thay đổi.
Không quá khi nói, sức hút suy giảm của tuyển Việt Nam có tác động lớn đến câu chuyện này. Nếu đặt trường hợp vào những năm trước, khi ĐTQG vẫn còn tạo được sức hút lớn bởi thành tích ấn tượng, thật khó để xảy ra câu chuyện phải “nhường” sân vận động quốc gia vì một sự kiện khác.
Tất nhiên, ban quản lý sân Mỹ Đình có cái lý riêng của mình. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về tài chính, đơn vị này phải tự cân nhắc những lợi ích kinh tế để đưa ra quyết định.
Nhìn chất lượng mặt sân Mỹ Đình vào tối 10/11 khi Thể Công gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở vòng 7 V.League khiến dư luận không khỏi ngao ngán. Một diện tích lớn cỏ ở sát đường biên dọc vàng úa, lụi đi khiến hình ảnh mặt sân trở nên xấu xí. Rõ ràng nếu tổ chức một show ca nhạc với hàng chục nghìn người, quãng thời gian 8 ngày thật khó để ban quản lý có thể kịp khôi phục lại mặt cỏ.
Mặt cỏ không tốt ở sân Mỹ Đình thời điểm hiện tại.
Sân Mỹ Đình 4 vạn chỗ ngồi từng mang lại lớn thế lớn cho tuyển Việt Nam, từng là nơi “đi dễ khó về” với nhiều đối thủ sừng sỏ ở cả khu vực lẫn châu lục. Nhưng giờ đây, khi sức hút giảm đi, việc được thi đấu ở sân vận động quốc gia bỗng trở nên khó khăn với đội tuyển vì nhiều lý do khác nhau.
Nếu tuyển Việt Nam vào đến bán kết AFF Cup, có thể bóng sẽ lại lăn ở sân Mỹ Đình. Tuy nhiên trong bối cảnh phong độ như hiện tại, thật khó để nói trước điều gì!