Nhân vật trong bộ phim kinh điển ra đời hơn 40 năm trước là nạn nhân của trò deepfake.
Trong phim gốc, đó là một cảnh gây bồi hồi. Nhưng với sự trợ giúp của AI, video deepfake xuyên tạc cảnh nữ vương và “ngự đệ” cùng nhau ăn uống này trông như thật.
Video này cũng gợi lại nỗi buồn của một người bạn trong nhóm tôi, bị lừa 10 triệu đồng cách đây hai tháng. Ban đêm, bạn cấp ba nhắn tin hỏi mượn tiền gấp. Dù rất cẩn thận, bạn tôi đã gọi video call để xác thực. Kẻ lừa đảo dùng hình ảnh tĩnh, chuyển sang video ngắn vài giây, có cảnh người bạn đó nháy mắt, mấp máy môi… và bảo mạng lag, không dùng video call được lâu.
Thế là bạn tôi mắc bẫy, chuyển tiền ngay.
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chóng mặt, mang đến những đột phá trong nhiều lĩnh vực và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Bên cạnh những lợi ích to lớn, AI cũng tiềm ẩn những nguy cơ, đặc biệt là sự xuất hiện của video giả do AI tạo ra.
Deepfake sử dụng AI để ghép mặt, giọng nói của một người vào một video khác, tạo ra những hình ảnh, âm thanh hoàn toàn giống thật nhưng lại hoàn toàn sai lệch với sự thật.
AI ngày càng hoàn thiện thì deepfake có thể tạo ra những video giả mạo vô cùng tinh vi, khó phân biệt với video thật.
Thay vì coi trí tuệ nhân tạo (AI) là mối đe dọa, chúng ta hãy tìm cách ‘hợp tác’.
Nhiều người nổi tiếng đã khốn khổ vì bị deepfake ghép hình vào các video tình dục. Người bình thường thì bị lừa bởi những video giả dạng người thân mượn tiền… Chưa kể, deepfake có thể được sử dụng để tạo ra các video giả mạo bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, gây tổn thương về mặt tinh thần và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Tôi nghĩ, cần giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dùng, nhất là nhóm người lớn tuổi, hiểu biết công nghệ hạn chế. Các mạng xã hội cũng nên hướng dẫn cách nhận diện và báo cáo các video giả mạo, nhất là qua call video để bảo vệ người dùng khỏi những tác hại của nó”.
Thanh Ngọc