Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, một thương hiệu Việt là VinFast dẫn đầu doanh số toàn thị trường ô tô trong nước.
Thế cục tranh đua ngôi đầu doanh số bán xe ô tô Việt Nam trong năm 2024 có thay đổi quan trọng với sự bứt phá của VinFast, thương hiệu thay thế Kia để trở thành hãng xe dẫn đầu thị trường, tính đến tháng 10/2024.
VinFast đã báo cáo doanh số hơn 51.000 xe, trong đó, riêng tháng 10, hãng ghi nhận hơn 11.000 xe được giao, tăng 24% so với tháng 9. Các mẫu đóng góp chính là VF 3 (hơn 5.000 xe) và VF 5 (hơn 2.600 xe). Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, một thương hiệu Việt dẫn đầu doanh số toàn thị trường ô tô trong nước.
Hiện VinFast không công bố doanh số chi tiết hàng tháng như các hãng thuộc VAMA mà linh hoạt công bố theo tháng, quý, hoặc năm với số liệu làm tròn.
Hai vị trí tiếp theo thuộc về Toyota và Hyundai, với doanh số lần lượt hơn 49.000 và 48.000 xe. Toyota đứng đầu về xe động cơ đốt trong, trong khi VinFast dẫn đầu xe điện. Dù đã phân phối một số mẫu hybrid như Altis, Camry, Innova Cross, doanh số hybrid của Toyota vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh số.
So với cùng kỳ năm 2023, doanh số của Toyota tăng 23% nhờ vào các mẫu chủ lực như Vios, Corolla Cross và các mẫu mới như Yaris Cross, Innova Cross.
VinFast dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam trong 10 tháng đầu năm
Hầu hết các mẫu xe con của Hyundai, ngoại trừ Stargazer nhập khẩu từ Indonesia, đều lắp ráp trong nước. Nghị định 109 về ưu đãi lệ phí trước bạ giúp Hyundai tăng trưởng doanh số đều đặn. Các mẫu Accent, Creta và Santa Fe là trụ cột doanh số của Hyundai trong tháng 10 với mỗi mẫu bán hơn 1.000 xe.
Sự tăng trưởng của Ford và Mitsubishi đã đẩy Kia và Mazda xuống hạng so với năm 2023. Ford xếp thứ 4 về doanh số, nhờ các mẫu xe thế hệ mới được giảm giá liên tục, kích cầu như Ranger và Territory. Mitsubishi hưởng lợi từ mẫu Xforce – CUV cỡ B bán chạy nhất phân khúc – và Xpander, tạo nên bộ đôi xe chủ lực chiếm 82% doanh số hãng.
Trong khi đó, Kia trải qua một năm ảm đạm khi doanh số của Seltos và Sonet giảm, khiến hãng chỉ bán 27.219 xe sau 10 tháng, giảm 15% so với cùng kỳ, mức giảm cao nhất thị trường, sau Suzuki (giảm 24%, tính cả xe thương mại).
Mazda giảm doanh số 9%, nhưng vẫn giữ vững vị trí trong phân khúc CUV cỡ C với mẫu CX-5 bán hơn 11.000 xe, tuy nhiên chưa đủ vực dậy toàn bộ thương hiệu.
Doanh số Honda tăng 23%, nhờ doanh số ổn định của CR-V, City cùng sự tăng trưởng của BR-V và HR-V. Hai tháng gần đây, mẫu City bán hơn 1.500 xe/tháng nhờ hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ.
Suzuki có nửa đầu năm 2024 đầy khó khăn với mức giảm 24% doanh số so với năm ngoái. Việc ngừng bán các mẫu Ciaz, Ertiga và giảm nguồn cung Carry Pro để chuẩn bị ra mắt động cơ mới là nguyên nhân chính. Dù mẫu XL7 ra mắt tháng 8, doanh số vẫn khiêm tốn.
Isuzu và Peugeot tiếp tục là các hãng có doanh số thấp nhất, trong đó Isuzu chủ yếu dựa vào xe thương mại chiếm 93% tổng doanh số. Peugeot không công bố chi tiết doanh số từng mẫu xe.