Tại triển lãm GIIAS 2024, Toyota Innova Zenix Hybrid phiên bản sử dụng nhiên liệu sinh học đã nhận được nhiều lời khen ngợi về khả năng vận hành mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề then chốt hiện nay lại nằm ở khả năng cung ứng nguồn nhiên liệu sinh học vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khuôn khổ triển lãm Ô tô Quốc tế Gaikindo Indonesia (GIIAS) 2024, Toyota Innova Zenix Hybrid chạy bằng nhiên liệu sinh học (flexy fuel) đã được giới thiệu đến người tiêu dùng. Phiên bản “ăn chay” của Innova Zenix Hybrid là nỗ lực của Toyota nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào xăng dầu, đồng thời hướng đến mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách ứng dụng nguồn năng lượng thay thế.
Mang đồ họa màu trắng và xanh lá cây, chiếc xe được nhìn thấy có logo Pertamina và Toyota ở cửa trước. Ảnh: Kompas
Ông Agus Tjahajana Wirakusumah – Chuyên gia của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM), phụ trách lĩnh vực đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực ESDM, đã có dịp trải nghiệm Toyota Innova Zenix Hybrid bioetanol tại GIIAS 2024.
Chia sẻ với báo giới, ông bày tỏ sự ấn tượng trước khả năng tăng tốc của mẫu xe này. Vị chuyên gia nhận định, xe cho cảm giác tăng tốc phấn khích không thua kém xe thuần điện và vượt trội hơn hẳn so với các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
“Cảm giác tăng tốc rất đã, thậm chí còn nhỉnh hơn cả xe chạy bằng động cơ đốt trong (ICE). Phần nội thất bên trong xe cơ bản không có gì khác biệt”, ông Agus chia sẻ tại Trung tâm Triển lãm ICE, BSD City hôm 23/7/2024.
Tuy nhiên, ông Agus cũng chỉ ra một thực trạng, đó là nguồn cung ứng nhiên liệu sinh học tại Indonesia hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, bioethanol nguyên chất (E85 hoặc E100) vẫn chưa được phân phối rộng rãi tại thị trường Indonesia. Hiện tại, Pertamina mới chỉ cung cấp ra thị trường sản phẩm Pertamax Green 95, là hỗn hợp giữa xăng RON 92 và 5% ethanol (E5). Loại nhiên liệu sinh học này được cho là có mức phát thải thấp hơn so với xăng thông thường.
Theo ông Agus, bioethanol được đánh giá là loại nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn nhờ hàm lượng sulfur thấp hơn đáng kể so với xăng. Cụ thể, nếu như hàm lượng sulfur trong xăng có thể lên tới 500 ppm thì ở bioethanol con số này chỉ là 50 ppm. Hàm lượng sulfur cao được chứng minh là tác nhân gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Vị chuyên gia cho biết thêm: “Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ. Hiện tại, ngay cả mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng E20 thay cho E5 như ở Surabaya vẫn còn là một chặng đường dài”.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào. “Vấn đề không nằm ở khâu sản xuất mà là nguyên liệu đầu vào. Ethanol chủ yếu được sản xuất từ mật mía, trong khi nguồn cung ứng mật mía lại hạn chế. Đó là lý do vì sao nhà máy sản xuất bioethanol được xây dựng tại Papua”, ông Agus chia sẻ thêm.
Ethanol sinh học được cho là tốt hơn cho môi trường vì nó có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn. Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu này hiện nay còn khá hạn chế. Ảnh: Kompas
Đồng quan điểm, ông M. Firdaus Manti – Trợ lý Thứ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia – nhận định: “Trong tương lai, nhiên liệu sinh học có thể đóng vai trò chủ đạo. Xe hybrid sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ thân thiện với môi trường hơn so với xe hybrid sử dụng nhiên liệu hóa thạch bởi vì chúng ta đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.”
Tổng Giám đốc Toyota Astra Motor, Hiroyuki Ueda, cho biết hãng có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm ô tô điện chạy bằng pin cho Indonesia. Đó là lý do vì sao ngoài Innova Zenix Hybrid nhiên liệu sinh học “xanh” hơn, Toyota còn mang đến GIIAS 2024 Mirai (Fuel Cell EV) và FT-3e (Concept Fuel Cell EV). Chiếc concept được dự đoán sẽ là sự thay thế cho bZ4X đã ra mắt cách đây vài năm. Kích thước dài hơn, rộng hơn và phẳng hơn một chút.