Ông Nguyễn Văn Tám (thôn Ngải, xã Văn Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã bỏ nuôi lợn, nuôi gà để nuôi cầy hương vốn là con động vật hoang dã. Con vật nuôi có cặp mắt lồi này đã giúp ông làm giàu.
Trưởng thôn nuôi cầy hương làm giàu
Được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Ngải (xã Văn Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), ông Nguyễn Văn Tám không những đã vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá,…mà còn là người làm kinh tế giỏi, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tám chia sẻ: “Tôi làm trưởng thôn Ngải đến nay khoảng 15 năm và giờ vẫn đang tiếp tục công việc. Ngoài các hoạt động của thôn, ở nhà tôi còn chăn nuôi thêm mấy chục con cầy hương (có người gọi là cầy vòi voi)”.
Ông Nguyễn Văn Tám bắt đầu nuôi con cầy hương từ cuối năm 2023. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Tám, thôn Ngải, xã Văn Phong, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) nói, về kỹ thuật nuôi cầy hương, cầy hương chả khó nuôi, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Ảnh: Vũ Thượng.
Ông Tám kể tiếp, trước kia để phát triển kinh tế gia đình, tôi nuôi con lợn, gà, ba ba…Tuy các con vật này nuôi có hiệu quả nhất định nhưng nhận thấy tốn khá nhiều công chăm sóc, và hay bị dịch bệnh nên tôi quyết định tìm kiếm con nuôi mới.
Năm 2023, tôi đi đến tỉnh Hà Nam làm việc và tình cờ biết đến mô hình nuôi con cầy hương.
Con đặc sản này vốn là loài động vật hoang dã rất dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Thịt cầy hương rất ngon, còn da của nó có thể dùng trong may mặc.
Mô hình nuôi con cầy hương của hộ ông Nguyễn Văn Tám (xã Văn Phong, huyện Nho Quan). Ảnh: Vũ Thượng
Lúc đó, ông Nguyễn Văn Tám nghĩ ngay đến việc mua cầy hương về để nuôi tại trang trại gia đình với mong muốn có thu nhập tốt.
Đồng thời, ông Tám quyết tâm đi học tập kinh nghiệm nuôi chồn hương, tìm hiểu kỹ nuôi cầy hương, cách chăm sóc con nuôi này tại Hợp tác xã Chiến Thắng (tỉnh Hà Nam).
“Nghĩ là làm, tôi đã liên hệ tới Hợp tác xã Thắng Lợi 1 (Yên Bái) để có nguồn giống chất lượng. Cầy hương không thuộc loại động vật quý hiếm nhưng vẫn là loài động vật rừng cần được quản lý.
Vì vậy, khi nuôi tôi đã xin ý kiến của các đơn vị kiểm lâm…”, ông Nguyễn Văn Tám, trưởng thôn Ngải, xã Văn Phong, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) cho biết.
Ông Tám và HTX Thắng Lợi 1 liên kết, làm thủ tục xin giấy phép chăn nuôi, huy động kinh phí lúc đó khoảng 1 tỷ đồng để làm chuồng, mua giống cầy hương…
Những con cầy hương đang trưởng thành với bộ lông màu nâu, đen, đuôi dài. Ảnh: Vũ Thượng
Hợp tác xã Thắng Lợi 1 đã cam kết đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng tôi khá yên tâm và tự tin với mô hình con nuôi mới này.
Nắm vững kỹ thuật nuôi cầy hương
Con cầy hương là một loài động vật sống phổ biến ở các vùng đồi núi trung du và hải đảo của đất nước ta. Trong tự nhiên, cầy hương thường tìm bắt các loại động vật nhỏ như: Con cóc, nhái, thằn lằn, chim…để ăn. Cầy hương cũng rất thích ăn các loại quả ngọt gồm quả chuối, mít…
Cận cảnh con cầy hương (chồn hương) với đôi mắt lồi tròn vo tại trang trại nuôi con đặc sản của hộ ông Tám. Ảnh: Vũ Thượng.
Với gần 1 năm “làm bạn” với con cầy hương, ông Nguyễn Văn Tám (thôn Ngải, xã Văn Phong) cho biết: “Hiện trang trại gia đình tôi có 33 con cầy hương bố mẹ, 10 con cầy hương con tất cả đều sinh trưởng, phát triển rất tốt”.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cầy hương, ông Tám bật mí, chuồng nuôi cầy hương cần phải có hệ thống giữ ấm vào mùa đông, phun sương chống nóng vào mùa hè, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định.
Cầy hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt. Trong quá trình nuôi, hàng ngày, người nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để cầy hương không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên.
Bên cạnh đó, con cầy hương vẫn giữ bản tính hoang dã rất hung dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô.
Cầy hương bố mẹ được nuôi nhốt chuồng riêng. Ảnh: Vũ Thượng
Kích thước mỗi ô chuồng nuôi cầy hương rộng khoảng 1 m2. Ảnh: Vũ Thượng
Khu vực chuồng nuôi cầy hương (con chồn hương) cần sự yên tĩnh. Ảnh: Vũ Thượng
Chuối chín, món ăn chính của cầy hương. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Tám luôn chuẩn bị số lượng lớn quả chuối để cầy hương ăn. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài ăn quả chuối chín, cá rô phi đông lạnh cũng là món mà con cầy hương (chồn hương) ưa thích. Ảnh: Vũ Thượng.
Khi cầy hương mẹ đang trong giai đoạn nuôi con, nếu có tiếng ồn, gặp người lạ thì cầy mẹ sẽ đem giấu trong tổ, làm trầy xước, nhiễm trùng, thậm chí gây chết con. Vì vậy, khu vực chuồng nuôi cầy mẹ phải thật sự yên tĩnh, tránh người lạ vào thăm.
Ông Nguyễn Văn Tám nói: “Con cầy hương khá khỏe mạnh và ít mắc bệnh, chủ yếu bị rụng lông và ngứa do nấm, người nuôi chỉ cần dùng lá khế giã nát cùng với muối trắng sát vào chỗ bị bệnh.
Đặc biệt, khi thấy con cầy hương đi phân lỏng có thể bị bệnh đường ruột, người nuôi nên cho con cầy hương ăn quả chuối xanh (chưa chín) để trị bệnh, đồng thời ngừng cho ăn cá.
Thông thường con cầy hương mẹ đẻ 2 lứa/năm. Mỗi lứa sinh sản từ 3-4 con hay 5-6 con. Nuôi 2 tháng là có thể xuất giống cho khách hàng.
So với nuôi con lợn, gà…thì nuôi cầy hương đem lại thu nhập cao hơn. Ảnh: Vũ Thượng
Theo ông Tám, nuôi cầy hương tốn ít công chăm sóc và chi phí. Mỗi ngày chỉ cần vệ sinh chuồng trại một lần; cho ăn 2-3 quả chuối chín được bóc vỏ sạch sẽ và 1 con cá rô phi (cá rô phi phải cấp đông trước khi cho cầy hương ăn).
Gần 1 năm nuôi con cầy hương, ông Tám nhận thấy có hiệu quả thiết thực. Cụ thể, tính bán giống hoặc bán thịt thì gia đình thu về mấy trăm triệu đồng, nhưng hướng của ông Tám muốn mở rộng quy mô nuôi cầy hương nhằm tạo dựng thương hiệu cầy hương tại địa phương.