Tôi đang sử dụng một chiếc xe 5 chỗ ngồi để chạy taxi. Sắp tới đưa gia đình về quê ăn cưới, tôi muốn đổi tạm từ biển số màu vàng sang trắng cho ‘đỡ phèn’ thì liệu có bị CSGT xử phạt không?
Độc giả Hữu Linh (Long Biên, Hà Nội) vừa gửi câu hỏi: “Tôi đang sử dụng một chiếc xe 5 chỗ ngồi để chạy taxi. Xe kinh doanh vận tải nên đăng ký và mang biển số màu vàng. Sắp tới đưa gia đình về quê ăn cưới, khá ngại vì sợ mọi người biết mình chạy taxi nên tôi đang có ý đặt làm hai chiếc biển số trắng cho… đỡ ‘phèn’. Không biết như vậy có bị CSGT xử phạt hay không?”Ô tô kinh doanh vận tải đều phải đăng ký và sử dụng biển số màu vàng. (Ảnh minh họa: Phạm Hải)
Theo các chuyên gia về pháp lý, việc đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước cấp là bắt buộc, được quy định rõ tại khoản 3, Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Thực tế, việc các cơ quan quản lý phân loại biển vàng và trắng là có mục đích và được Bộ Công an quy định rõ ràng.
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 37 Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định: Biển số có nền màu vàng, chữ và số màu đen dùng để cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải (như xe taxi); biển số có nền màu trắng, chữ và số màu đen dùng để cấp cho cá nhân, doanh nghiệp không kinh doanh vận tải.
Đối với trường hợp đặt làm một biển số màu trắng dù có kí tự giống hệt biển số màu vàng mà chiếc xe đó đang đeo như câu hỏi của độc giả Hữu Linh là vi phạm các quy định hiện hành về quản lý phương tiện và có thể bị xử phạt rất nặng.
Tại điểm d, khoản 5, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, tịch thu biển số không đúng quy định và bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, không chỉ lái xe mà trong trường hợp này, chủ phương tiện cũng sẽ bị liên đới với hình thức xử phạt rất nặng.
Cụ thể, cũng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông. Đồng thời bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày và tịch thu biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trong trường hợp chủ sở hữu là người trực tiếp điều khiển phương tiện, ngoài các hình phạt nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Như vậy, chỉ với hành vi đơn giản là muốn “đổi màu” biển số như câu hỏi của độc giả Hữu Linh ở trên, mức phạt tổng cộng đối với cả chủ xe và lái xe là rất nặng nề, có thể lên tới 18 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe đến 3 tháng, đồng thời bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.