Theo ghi nhận, giá cau non ở nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên đang tăng gấp 4 – 5 lần so với cuối năm 2023. Nguyên nhân được cho là do thương nhân Trung Quốc đang lùng mua, xuất khẩu rất thuận lợi.
Khảo sát tại thị trường TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá cau non tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL hiện tăng ít nhất 5.000-12.000 đồng/kg so với cách đây một tháng và đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
Theo đó, giá cau non (loại khoảng 50-70 trái/kg) đang được nông dân bán cho thương lái với mức 15.000-20.000 đồng/kg. Còn giá cau non được nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cau thu mua ở mức 25.000-27.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với thời điểm những tháng cuối năm 2023.
Giá cau non tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận tăng từ tháng 6. Thời điểm cuối tháng 6, giá cau non tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL đã tăng mạnh thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg. Giá cau non (loại 50-70 trái/kg) tại vườn là 20.000-25.000 đồng/kg, còn bán tại vựa ở mức 30.000-35.000 đồng/kg. Mức giá này được đánh giá cao hơn gấp 4-5 lần so với thời điểm những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Về nguyên nhân cau non tăng giá mạnh, nhiều thương lái chuyên thu mua cau cho biết, giá tăng do gần đây trái cau non được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hiện xuất khẩu cau sang Trung Quốc đang rất thuận lợi.
Thu mua cau non bán cho thương nhân Trung Quốc tại một cơ sở ở TP.Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ.
Trong khi đó, tại một trong những “vựa” cau ở miền Trung – tỉnh Quảng Ngãi, giá cau non đã gấp 5 lần năm ngoái, đạt 50.000 đồng/kg, trong khi cuối tháng 4, giá cau chỉ khoảng 25.000 đồng/kg.
Được biết, cau non sau khi được thu mua sẽ được tách cuống, sấy khô, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc làm kẹo.
Được biết, quả cau tươi là nguyên liệu chính để sản xuất kẹo cau – sản phẩm rất được ưa chuộng tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
Cau non sau khi mua về, người ta thường lựa những trái đạt chất lượng (hạt nhỏ hoặc không có hạt) luộc ở nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo.
Loại kẹo cau này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Đã nhiều năm nay, giá cau thường trồi sụt theo nhu cầu thất thường của thương nhân Trung Quốc. Thời điểm giá cau non tăng vọt ở nhiều địa phương ghi nhận tình trạng người dân đổ xô trồng cau.
Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk từng đưa ra khuyến cáo nông dân, cau không phải là cây phổ biến, giá cả bấp bênh nên nông dân không nên chỉ nên trồng xen canh hoặc khu vực triền dốc để chống xói mòn.
Tương tự, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng khuyến cáo nông dân không nên trồng cau ồ ạt, chỉ nên trồng xen bên hàng rào, nơi đất xấu và làm cảnh quan. Bên cạnh đó, thị trường loại quả này không rộng, chủ yếu bán sang Trung Quốc.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng từng đưa ra khuyến cáo người dân không nên ham giá cao mà trồng ồ ạt cau theo phong trào, bởi hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cau non với giá cao đã diễn ra từ nhiều năm trước ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên.