Có thể nhận 35.000 tỷ đồng từ Vingroup và 50.000 tỷ đồng từ ông Phạm Nhật Vượng, VinFast đang có những kế hoạch gì?
85.000 tỷ đồng sẵn sàng cho VinFast
Trong tháng 10 vừa qua, VinFast cho biết đã bàn giao hơn 11.000 chiếc xe điện trên toàn quốc. Tính gộp 10 tháng đầu năm, VinFast đã bàn giao tổng cộng hơn 51.000 chiếc xe, trở thành hãng xe có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Sau thông báo này, VinFast liên tiếp đưa ra các thông báo khác về hoạt động của hãng, trong đó có việc Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng sẵn sàng hỗ trợ thêm cho VinFast. Theo đó, Vingroup sẵn sàng cho vay 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cam kết hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cho tới hết năm 2026 – thời điểm hòa vốn dự kiến.
Bên cạnh các thông báo này, VinFast cũng nêu sơ lược về tình hình hoạt động của công ty.
Cụ thể hơn, VinFast cho biết rằng hãng “đã hoàn thành giai đoạn đầu tư cơ bản với việc vận hành nhà máy sản xuất ô tô công suất tối đa lên tới 300.000 xe/năm tại Cát Hải – Hải Phòng”. Cùng với đó, hãng vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện các sản phẩm của mình.
Đồng thời, VinFast cũng đã chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng sang mô hình phân phối theo đại lý.
Tại thời điểm này, VinFast “đang trong giai đoạn tăng tốc, đẩy mạnh doanh số bán hàng tại tất cả các thị trường, tối ưu cơ cấu chi phí.”
Theo thông báo vào thời điểm xây dựng nhà máy, VinFast cho biết nhà máy tại Hải Phòng có công suất mỗi năm lên tới 3.000 xe buýt điện, 250.000 xe máy điện, và 250.000 xe ô tô điện. Công suất sản xuất xe máy điện và ô tô điện nêu trên chỉ nằm tại giai đoạn 1 và hoàn toàn có thể nâng công suất lên nữa.
Với xe máy điện, VinFast cho biết tại giai đoạn 2, công suất lên tới 500.000 xe/năm và có khả năng nâng lên tới 1 triệu xe/năm. Với ô tô điện, VinFast dự kiến rằng vào năm 2026, công suất có thể lên tới 950.000 xe/năm.
Hình ảnh tại xưởng sơn xe trong nhà máy VinFast.
Tổ hợp nhà máy VinFast có tổng diện tích lên tới 335ha đặt tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng. Tổ hợp này máy này được đánh giá là hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á với mức độ tự động hóa cao.
Theo thông tin được công bố, mức độ tự động hóa tại xưởng đóng gói pin đạt 75%, tại xưởng động cơ đạt 90%, tại xưởng thân vỏ lên tới 98%; số lượng robot tham gia sản xuất lên tới hơn 1.000 chiếc.
Về hoạt động kinh doanh, việc chuyển đổi mô hình sang hợp tác với các đại lý / nhà phân phối cũng được đánh giá cao về hiệu quả. Mô hình này cho phép VinFast mở rộng mạng lưới cửa hàng / showroom tới nhiều địa phương trong thời gian ngắn.
Mô hình này không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà cả tại thị trường nước ngoài, tiêu biểu như Mỹ. Tại thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới, showroom VinFast đã có mặt tại nhiều bang khác ngoài bang California – nơi VinFast đặt trụ sở ở Mỹ.
Thậm chí, việc hợp tác với các nhà phân phối / đại lý cũng giúp VinFast có thêm cái nhìn về thị trường bản địa. Ví dụ tiêu biểu chính là việc VinFast VF 3 nằm trong kế hoạch mở bán tại Mỹ sau khi VinFast nhận được phản hồi tích cực từ các nhà phân phối đối tác.
Tổng thống Indonesia – ông Joko Widodo – ký tặng lên chiếc VinFast VF 5 trưng bày tại triển lãm xe ở nước này.VinFast đang làm gì?
Trong thời gian tới, VinFast có thể sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tới một số quốc gia khác như kế hoạch có mặt tại 50 quốc gia tới cuối năm nay mà VinFast đã công bố hồi đầu năm.
Gần đây nhất, VinFast đã chính thức ra mắt tại UAE. Vào ngày ra mắt chính thức, VinFast cũng đã khai trương showroom đầu tiên tại đây với nhà phân phối đối tác Al Tayer Motors. Cùng với đó, các showroom VinFast khác tại Trung Đông cũng sẽ được khai trương ngay trong năm nay, đặt tại Ả rập Xê út, Quatar, Kuwait và Bahrain.
Ngoài Al Tayer Motors, VinFast cũng đã ký kết hợp tác với một số nhà phân phối khác tại khu vực Trung Đông này, trong đó có Al Mana Holdings và Bahwan Automobiles & Trading. Trong khi Al Mana Holdings là đối tác độc quyền của VinFast tại Qatar, Bahwan sẽ là đối tác độc quyền tại Oman.
VinFast ra mắt thương hiệu tại Trung Đông hồi cuối tháng 10.
Bên cạnh mở rộng thị trường, VinFast cũng đang tập trung phát triển xe mới cũng như các phiên bản nâng cấp của một số mẫu xe phổ thông. Thông tin này từng xuất hiện trong bài viết của tờ Automotive News, nêu rằng VinFast đang phát triển phiên bản thương mại của mẫu bán tải VF Wild.
Song song, hãng cũng đã đưa vào kế hoạch việc phát triển phiên bản nâng cấp của VF 8 và VF 9. Trong khi đó, mẫu VF 6 và VF 7 hiện chưa có kế hoạch nâng cấp nào từ nay tới năm 2030.
VinFast hiện cũng đang có kế hoạch xây dựng một số nhà máy sản xuất xe trên thế giới, trong đó có một nhà máy tại bang North Carolina – Mỹ, một nhà máy tại bang Tamil Nadu – Ấn Độ, và một nhà máy tại thành phố Subang – Indonesia.
Chủ tịch VinFast – bà Lê Thị Thu Thủy – tại COP28.
Nói về thời điểm hòa vốn, Chủ tịch VinFast – bà Lê Thị Thu Thủy – từng đưa ra nhận định hồi năm 2023 rằng: “Quy tắc chung trong ngành là khi doanh số bán hàng đạt khoảng 200.000 xe, bạn sẽ hòa vốn. Chi phí cơ sở của chúng tôi thấp hơn, vì vậy nếu chúng tôi đạt được doanh số 100.000 đến 150.000 xe/năm, chúng tôi có thể hòa vốn.”
Để có thể hòa vốn, bên cạnh tăng doanh số thì tối ưu chi phí đầu vào cũng là một việc quan trọng. VinFast từng cho biết rằng trong Quý II/2024, hãng đã giảm được 16% chi phí nguyên vật liệu (BOM) trung bình trên đầu xe được giao tới khách so với quý trước đó; trong khi đó, chi phí sản xuất trung bình đã giảm tới 43% so với Quý I/2024.
Theo VinFast, kết quả này có được nhờ gia tăng doanh số, giảm chi phí pin, và tối ưu hóa thiết kế, cũng như tối ưu chuỗi cung ứng của một số linh kiện chính.