Từ câu chuyện con trai rút 300 triệu trong két của ba mẹ để mua quà tặng cả lớp mà 1 tháng sau mới bị phát hiện, nhiều người bất giác nhận ra bi kịch gia đình của chính mình ở trong đó.
Trên VNExpress mới đây, câu chuyện về cậu bé trộm cả trăm triệu của bố mẹ mua quà tặng cả lớp đang khiến nhiều người hết sức chú ý. Cụ thể, cậu thiếu niên tâm sự, lấy 300 triệu đồng của bố mẹ không khó và cũng không hề lén lút nhưng bố mẹ Hùng không hay biết bởi trong nhà lúc nào cũng có khoảng chục tỷ đồng. Mẹ cậu là giám đốc một doanh nghiệp mỹ phẩm ở Hà Nội còn bố là quản lý cấp cao trong ngành bất động sản. Theo tính toán của công ty tư vấn Knight Frank (Anh), để lọt top 1% người khá giả ở Việt Nam, cần có trong tay ít nhất 160.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng). Bố mẹ Minh Hùng có nhiều hơn con số đó hàng chục lần.
Muốn gì được nấy từ khi sinh ra, nhưng cậu bé chưa bao giờ thấy hạnh phúc. Bố mẹ quá bận rộn với những chuyến công tác nước ngoài, những cuộc hẹn đối tác và những dự án sắp đến hạn hoàn thành. Từ nhỏ, Hùng và em gái chỉ biết đến hơi ấm của cô giúp việc – người thổi cơm, đọc truyện và ôm chúng ngủ mỗi đêm.
Thèm được bố mẹ quan tâm, cậu lấy trộm tiền, hút thuốc, uống rượu… như một cách gây sự chú ý. “Bố mẹ chưa bao giờ hỏi cháu muốn gì, chưa bao giờ cho cháu đi chơi những chỗ mà cháu thực sự muốn, học những gì cháu thích”, Hùng tâm sự.
“Cháu muốn bố mẹ để tâm đến thay đổi của cháu, mà cả tháng trời không ai thèm hay biết”, nam sinh lớp 12 giải thích về chuyện lấy 300 triệu đồng với chuyên gia tâm lý mà người mẹ mời đến nhà, khi không biết trị con bằng cách nào.
Tâm tư của Hùng cũng là nỗi lòng của rất nhiều trẻ sinh ra trong những gia đình khá giả. Trẻ không phủ nhận sự đủ đầy về vật chất cho chúng nền tảng giáo dục tốt, môi trường tiến bộ và được gặp gỡ “những người đẳng cấp” trong xã hội. Tuy nhiên, cha mẹ bận rộn để giàu có thường nghèo nàn thời gian cho con, biến chúng thành những đứa thiếu thốn tình yêu.
Qua câu chuyện bi hài ấy, không khó để nhận thấy bố mẹ của cậu bé đã giao toàn bộ trách nhiệm trông coi, chăm sóc cả hai anh em cho người giúp việc. Dần dà, những gì thân quen nhất, ấm áp nhất đều đến từ cô giúp việc khiến cho khoảng cách với cha mẹ ngày càng xa xôi. Và rồi một thời điểm nào đó, các con sẽ dần thiếu vắng hẳn tình thương từ cha mẹ và những điều ấy trở nên thật xa xỉ.
Người giúp việc – trên thực tế đã là một khái niệm thân quen của nhiều gia đình Việt hiện nay. Sự bận rộn của công việc, xã hội và nhiều áp lực cuộc sống ngốn gần hết thời gian của mỗi người mà đặc biệt là các bậc cha mẹ. Bởi vậy, chuyện có thêm một người đỡ đần cơm nước, con cái trong nhà là hết sức tiện lợi. Thế nhưng đôi khi, đó cũng lại là thách thức đối với nhiều người, nhiều chuyện mà đặc biệt là mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Hãy là những bậc cha mẹ, phụ huynh thông minh và linh hoạt, cân bằng giữa công việc và cuộc sống để không khiến người giúp việc ‘làm mẹ’ của các con mình cũng như giữ mái ấm luôn nồng nàn, hạnh phuc.