Theo ông Sa, nông dân trồng rau bò khai (vốn là một loại rau hoang dại) ở xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, mùa mưa mỗi ngày ông hái được 10 kg rau bò khai, bán với giá 50.000 đồng/kg, mỗi tháng trên diện tích 1 ha trồng rau đặc sản này của gia đình ông thu nhập được 15 triệu đồng.
Từ việc mua giống cây rau bò khai về trồng để làm rau phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, sau 4 năm trồng và chăm sóc, đến nay vườn rau đặc sản của gia đình ông Ma Văn Sa ở buôn Drăn, xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk có thu nhập tốt hơn hẳn, từng bước giúp gia đình vượt khó khăn.
Ông Ma Văn Sa, sinh năm 1988 ở buôn Drăn, xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Năm 2019, ông Sa đang làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh thì dịch bệnh COVIDD 19 bùng phát. Ông quyết định nghỉ việc về nhà ở Đắk Lắk để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất của bố mẹ.
Trong một lần tình cờ được thưởng thức món rau rừng bò khai thấy ngon miệng, ông đã tìm hiểu và biết loại cây rau dại này dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Ea Tir.
Ông Ma Văn Sa quyết định mua 280 cây rau bò khai giống với số tiền 7 triệu đồng về trồng xen với cây dổi.
Niềm vui của bố mẹ ông Ma Văn Sa khi thu hoạch rau bò khai tại vườn trồng xen ở buôn Drăn, xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Rau bò khai là rau rừng, giàu canxi, tốt cho xương khớp và khi chế biến có mùi vị thơm ngon.
Cây bò khai là một loại rau rừng, phát triển quanh năm, những năm gần đây, rau bò khai được xem là một loại rau đặc sản, ăn tốt cho sức khỏe.
Cây rau bò mọc tự nhiên, rau bò khai đem đến nhiều dưỡng chất cho cơ thể con người, giàu canxi, tốt cho xương khớp.
Loại rau rừng, rau dại này còn được biết tới với nhiều tên gọi khác như: dây hương, rau dạ hiến, khau hương, rau ngót leo, rau nghiến…
Bò khai là một loại rau rừng thân leo bằng tua cuốn, nếu để phát triển tự nhiên, chiều dài có thể lên tới hơn 10m. Lá bò khai có màu xanh non và mọc xen kẽ nhau, hình trụ.
Quả rau bò khai chưa chín có màu xanh nhạt, khi chín chuyển qua màu đỏ, vỏ tự tách ra thành 5 mảnh và uốn cong để lộ ra hạt có màu xanh lục.
Khi vườn rau bò khai của gia đình ông Ma Văn Sa phát triển, nhiều hộ dân trong vùng đã đến mua thứ rau lạ này về ăn.
Hội Nông dân xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) xây dựng mô hình trồng rau bò khai xen canh trong vườn trồng cây ăn quả.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng rau bò khai ngày càng nhiều, ông Sa quyết định mở rộng diện tích trồng rau đặc sản này lên 1ha.
Nhưng cung vẫn không đủ cầu, vì không chỉ người dân trên địa bàn xã Ea Tir tìm mua loại rau rừng về ăn, mà nhiều người dân ở các địa phương khác, đặc biệt là các nhà hàng, tiệc cưới trên địa bàn huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk cũng đặt mua với số lượng lớn.
Từ việc mua giống rau bò khai về trồng để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, đến nay ông Ma Văn Sa đã có nguồn thu nhập ổn định từ vườn rau dại đặc sản này.
Theo ông Sa tính toán, mùa mưa mỗi ngày ông hái được 10 kg, bán với giá rau bò khai là 50.000 đồng/kg, thì mỗi tháng trên diện tích 1 ha gia đình ông thu nhập được 15 triệu đồng.
Trong mùa khô, do lượng nước tưới không đảm bảo, nên bình quân 3 đến 4 ngày gia đình ông bán được 10 kg rau bò khai với giá 500 ngàn đồng.
Vườn ươm giống rau bò khai-rau rừng đặc sản với 10.000 bầu cây giống ở xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk).
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Nhận thấy mô hình trồng rau bò khai của hội viên có tiềm năng phát triển kinh tế, đầu năm 2024 Hội Nông dân xã đã tuyên truyền vận động thành lập Tổ hợp tác trồng rau bò khai xen canh trong vườn cây ăn quả.
Bước đầu có 6 thành viên viên tham gia Tổ hợp tác trồng rau rừng đặc sản này. Hiện nay vườn rau bog khai của các thành viên trong Tổ hợp tác đang phát triển tốt.
Nhằm giúp đỡ các hộ dân khác trồng loại rau này để phát triển kinh tế gia đình, ông Ma Văn Sa và các thành viên trong Tổ hợp tác đã xây dựng vườn ươm cây rau giống.
Và hiện nay đã có 10.000 bầu cây giống rau dại đặc sản được ươm thành công để bán cho các nông hộ khác trên địa bàn xã Ea Tir có nhu cầu trồng loại cây này phát triển kinh tế gia đình.