Cung không đủ cầu đã khiến taxi điện trở thành “cơn khát” của người tiêu dùng tại đất nước tỷ dân.
Tháng 10 năm ngoái, chia sẻ với Reuters, Chủ tịch VinFast toàn cầu bà Lê Thị Thu Thuỷ nói hãng taxi điện Xanh SM có kế hoạch mở rộng tại Ấn Độ. Ấn Độ cũng là quốc gia VinFast đang xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô điện.
Đây được xem là một thị trường đầy tiềm năng cho xe điện và các dịch vụ liên quan. Sự hấp dẫn đến từ quy mô dân số lớn thứ hai thế giới với khoảng 1,4 tỷ người. Chính phủ nước này cũng có những động thái thúc đẩy xe điện. Người dân Ấn Độ đang có xu hướng chuyển dịch từ xe xăng sang xe điện và sắm thêm ô tô điện.
Taxi Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. (Ảnh: Xanh SM).
Một bài viết mới đây trên Rest of World cho thấy “cơn sốt” taxi điện tại thị trường tỷ dân này. Tại Ấn Độ, các công ty taxi điện như BluSmart đang dần chiếm lĩnh thị phần từ Ola và Uber, hai “ông lớn” trong ngành gọi xe công nghệ.
Đội xe taxi thuần điện của BluSmart thu hút những khách hàng quan tâm đến môi trường và đề cao sự tiện lợi: Ứng dụng đảm bảo không hủy chuyến và không tăng giá vào giờ cao điểm. Xe BluSmart sạch sẽ, bảo dưỡng tốt, có sẵn nước uống và kẹo bạc hà. Nhờ đó, BluSmart đã có được lượng khách hàng trung thành ở New Delhi và Bengaluru, nơi được coi là Thung lũng Silicon của Ấn Độ.
Năm 2022, BluSmart từng đặt mục tiêu đưa 100.000 xe điện vào hoạt động đến năm 2025. Tuy nhiên, năm ngoái, công ty đã giảm mục tiêu xuống còn 10.000 xe vào đầu năm 2024 – hiện tại BluSmart có khoảng 8.000 xe.
Việc thiếu hụt đã gây ra “cơn khát” trên thị trường taxi điện. Rahul Mathur – Nhà sáng lập công ty khởi nghiệp, đã trở thành khách hàng trung thành của BluSmart hai năm nay. Thậm chí, anh còn là thành viên Prive, một nhóm khách hàng thân thiết đặc biệt của BluSmart, chỉ dành cho những người được mời.
Tuy nhiên, gần đây anh Mathur gặp khó khăn hơn trong việc đặt xe. “Mặc dù là thành viên BluSmart Prive, cấp cao nhất, tôi vẫn có những thời điểm không đặt được xe dù đã đặt trước”, anh chia sẻ.
Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng cho taxi điện. Hầu hết các công ty taxi điện đều phát triển chậm hơn dự kiến do thiếu nguồn xe.
Đội xe taxi điện của BluSmart. (Ảnh: BluSmart).
“Hiện chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất xe điện trên thị trường, và ngay cả họ cũng chưa hoạt động hết công suất”, bà Shivani Palepu, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Gartner, nói. “Vì vậy, nguồn cung chắc chắn sẽ là vấn đề, bất kể bạn có ký bao nhiêu bản ghi nhớ hợp tác hay làm việc với bao nhiêu đối tác”.
Các công ty gọi xe công nghệ truyền thống thường dựa vào tài xế sở hữu sẵn xe. Ngược lại, các công ty taxi điện phải tự mua xe mới. Tại Ấn Độ, xe điện còn có giá cao hơn xe chạy xăng khoảng 50%.
BluSmart và các công ty taxi điện khác giải quyết vấn đề này bằng cách duy trì đội xe của riêng mình. Điều này mang lại lợi thế về giá, như giảm giá khi mua số lượng lớn và giảm lãi suất cho các khoản vay xanh. BluSmart sở hữu 5.000 trạm sạc và có đội ngũ bảo dưỡng riêng.
Ola và Uber cũng bắt đầu triển khai xe điện để đáp ứng mục tiêu về khí hậu và tuân thủ quy định của chính phủ. Kế hoạch phát triển đội xe điện của Ola vẫn chỉ dừng ở các thử nghiệm chưa thành công, trong khi Uber đã hợp tác với các đơn vị xe điện thương mại tại địa phương như Lithium Urban Technologies, Everest Fleet và Moove để triển khai 25.000 xe điện tại Ấn Độ vào năm 2026. Tháng 6 vừa qua, Uber đã đầu tư 20 triệu USD vào Everest, công ty khai thác đội xe thương mại lớn nhất Ấn Độ với 19.000 xe điện của Tata Motors.
Ngành taxi điện hướng tới người tiêu dùng đang thu hút nhiều vốn đầu tư. BluSmart, với định giá 245 triệu USD, đã huy động 24 triệu USD vào tháng 5 từ hơn 20 nhà đầu tư, bao gồm cả SoftBank, theo dữ liệu từ nền tảng Tracxn.
Theo truyền thông Ấn Độ, nền tảng này sắp huy động thêm 100 triệu USD. Trong năm 2024, ít nhất hai startup taxi điện khác là Snap-E ở Kolkata và Shoffr ở Bengaluru cũng đã huy động vốn.
Dù vậy, số lượng nhà sản xuất xe ít và cạnh tranh tăng cao đã khiến nguồn cung xe điện trở nên khan hiếm. Được biết, danh sách đặt hàng của Tata Motors vượt xa năng lực sản xuất, và việc thiếu trợ cấp cho xe điện thương mại làm chậm tốc độ và quy mô sản xuất.
“Các nhà sản xuất như Tata hay các OEM khác không chuyên về thị trường taxi. Họ chủ yếu phục vụ người tiêu dùng và không có quy định nào bắt buộc họ tham gia vào thị trường taxi, nên họ thiếu động lực”, chuyên gia phân tích tại Gartner cho biết.
Trong khi đó, tháng 7 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã từ chối đề xuất xây nhà máy 1 tỷ USD của BYD.
Với BluSmart, ban đầu họ chỉ sử dụng xe từ Tata. Sau đó, họ bổ sung thêm dòng cao cấp với các xe của Mahindra, Hyundai và MG. Việc đa dạng hóa này cũng mang đến một số thách thức, như điều chỉnh hạ tầng cho từng dòng xe, đào tạo đội ngũ bảo dưỡng và đảm bảo tài xế sử dụng thành thạo.
Ông Mitesh Shah, cựu Giám đốc tài chính tại Ola và đồng sáng lập Inflection Point Ventures, đã đầu tư vào BluSmart nói: “Tôi nghĩ vài năm tới, chúng ta vẫn sẽ bị giới hạn về nguồn cung. Nhưng liệu có lúc chúng ta sẽ có đủ năng lực sản xuất xe điện không? Chắc chắn là có. Chỉ cần thêm chút thời gian”.
Nói về Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, dù mới ra mắt vào tháng 4/2023, hãng taxi này đã thu hút một lượng lớn tài xế tham gia. Sau hơn một năm, hãng đã phủ sóng 54/63 tỉnh, thành. Xanh SM hiện sở hữu đội xe 80.000 chiếc, gồm cả ô tô điện, xe máy điện và xe của đối tác, phục vụ hàng triệu lượt khách hàng mỗi ngày.
Đến quý IV/2023, XanhSM đã chiếm gần 20% thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đứng thứ hai và gấp đôi công ty đứng kế tiếp ở mảng taxi, theo Mordor Intelligence.
Tháng 11/2023, Xanh SM khai trương dịch vụ tại Lào. Đây là thị trường nước ngoài đầu tiên, khởi động chiến lược “Go Green Global” của Xanh SM, hãng đang có dự định tiến vào Indonesia – thị trường lớn nhất Đông Nam Á.