“Người ta xây nhà mái bằng thì chỉ lo làm chống thấm, vậy mà ông ấy mang cả cái ao cả đặt trên mái nhà”, một người dân xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) vẫn trầm trồ khi nói về chiếc ao trên sân thượng của ông Trương Hùng Tuấn.
Ông Nguyễn Anh Hùng, người dân xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) thốt lên khi chúng tôi hỏi thăm nhà và cái ao đặc biệt ông Trương Hùng Tuấn: “Ông ấy mang cả cái ao cá đặt trên mái nhà, trồng rau nuôi cá tất trên đó”,
Không riêng ông Hùng, bao năm qua, nhiều người dân địa phương vẫn trầm trồ khi nói về chiếc ao được xây dựng có phần mạo hiểm của ông Tuấn. Bởi, nhà mái bằng sau khi xây dựng xong, chủ nhà thường phải lợp thêm mái chống thấm, chứ không ai dám mang cả ao nước đặt lên đó như ông Tuấn.
Toàn bộ sân thượng của căn nhà chính rộng chừng 60m2 được ông Tuấn biến thành ao, phần mái của công trình phụ được cải tạo thành vườn rau
Dù đã 87 tuổi, nhưng ông Tuấn vẫn rất khoẻ mạnh. Ông cho biết, căn nhà mái bằng được gia đình xây dựng từ năm 2017. Sau đúng 1 tuần xây dựng, ông đã bơm nước lên mái để kiểm tra độ thẩm thấu của mái. Sau khi kiểm tra thấy mái không bị thấm, ông đã tiến hành bơm thêm nước để biến toàn bộ 60m2 mái nhà thành ao.
“Rất nhiều người nói tôi liều lĩnh, vợ con cũng ra sức ngăn cản vì sợ thấm nước dẫn đến hư hỏng kết cấu nhà nhưng giờ đã hơn 5 năm, căn nhà vẫn không hề thấm dột”, ông Tuấn nói với vẻ tự hào.
Ông Tuấn cho hay, có nhiều cách để bắt cá trên ao như đánh vó, dùng rọ hoặc câu. Thường ngày để phục vụ bữa cơm gia đình, thì ông thường chọn cách dùng cần để câu
Ông Tuấn chia sẻ, sở dĩ ông “liều” như vậy là có lý do. Ông nói: “Trước khi nảy ý tưởng biến sân thượng căn nhà hiện tại thành ao, tôi đã nhiều năm trồng trọt tưới tiêu trên tầng thượng của căn nhà cũ.
Qua bao năm mà căn nhà cũng không vấn đề gì. Bởi vậy, với căn nhà hiện tại, tôi cũng đã bơm nước lên thử trước một thời gian dài, thấy không sao nên tôi quyết tâm làm thành ao luôn”.
Cứ như vậy, kể từ khi chiếc ao được hình thành, ông Tuấn đã thả cá, thả thêm bèo tây để cá trú ngụ, đồng thời tận dụng nhiều thùng xốp để trồng thêm rau.
Khu vườn xanh mướt nhà ông Tuấn lọt thỏm giữa các căn nhà xây cao tầng
“Tôi thả nhiều cá lắm, ban đầu tôi đi xin cá rô phi về thả, sau chúng tự sinh sản được. Còn cá trắm đen, trắm cỏ thì phải đi mua. Kể từ khi có vườn rau, ao cá này, vợ chồng tôi không phải mua ngoài chợ nữa”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, nhiều người bạn khi đến chơi cũng rất thích thú khi được tự tay câu cá và đem xuống chế biến thành các món nhậu.
Để tránh nước trên ao cá bị tràn, ông Tuấn thiết kế thêm vòi nước để tiện tháo nước mỗi khi trời mưa. Vào mùa khô phải thay nước ao, ông lại tận dụng lấy nước ao để tưới cây và bơm nước từ giếng khoan lên.
Ông Tuấn chia sẻ, mô hình vườn ao của ông rất khép kín, không chỉ việc tận dụng nguồn nước để tưới tiêu, đối với bèo tây khi chúng phát triển nhiều lại được ông vớt rồi đem phơi khô để làm phân hữu cơ bón cho cây.
Ông Tuấn thu gom cây bèo tây rồi phơi khô rồi dùng làm phân bón cho cây, rau
Những luống rau xanh mướt được ông Tuấn trồng hoàn toàn bàng phân hữu cơ từ cây bèo tây
“Đất mình chật nên tôi tận dụng các thùng xốp để trồng các loại cây, rau. Nhờ tận dụng phân hữu cơ tôi không cần phải mua bất kỳ loại phân bón nào”, dứt lời ông Tuấn chỉ về phía những chậu cây rau xanh tốt.
“Mô hình làm ao, tôi không dám khuyên ai làm theo vì đòi hỏi phần mái phải được thợ xây cẩn thận, nhưng mô hình trồng rau từ việc tận dụng phân hữu cơ tôi thấy rất tốt, phù hợp với nhiều gia đình không có diện tích đất trồng. Được sử dụng thành quả từ chính những cây do mình trồng ra vừa đảm bảo vừa là cách để giảm căng thẳng, mệt mỏi”, ông tâm sự.
Những chùm cà chua sai trĩu quả
Chiếc vòi nước được nối từ ao cá xuống phục vụ tưới tiêu.
Thường ngày ông Tuấn leo lên leo xuống chiếc ao hàng chục lần, đây là cách ông tập thể dục.