Chị Nguyễn Thị Quyên ở ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, là người tiên phong, thành công trong áp dụng mô hình nuôi cua trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn.
Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn giúp người dân địa phương có thêm sự lựa chọn trong phát triển nuôi cua.
Mô hình Ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn nuôi cua trong hộp nhựa được chị Nguyễn Thị Quyên đầu tư cuối năm 2023 với chi phí hơn 400 triệu đồng, trong đó chị được Nhà nước hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Khoa học Công nghệ.
Diện tích thực tế nuôi cua mà chị Quyên sử dụng chỉ khoảng 30m2, với khoảng 300 hộp nhựa được xếp chồng lên nhau.
Lúc đầu, chị Quyên được hỗ trợ phát triển mô hình nuôi cua yếm vuông thành cua 2 da (cua cốm), tuy nhiên chị thử nghiệm “vỗ béo” cua thiếu gạch thành cua đầy gạch và những con cua thịt mềm vỏ thành cua chắc thịt.
“Chi phí lớn nhất để thực hiện mô hình này là đầu tư hệ thống bể bê tông, cùng với máy móc, thiết bị để lọc tuần hoàn, làm sạch nước cung cấp cho quá trình nuôi cua trong hộp nhựa.
Khi nuôi quan trọng nhất là khâu chọn con giống, đồng thời ghi lại ngày để biết khi nào thành cua gạch, cua 2 da.
Trong quá trình nuôi cần để ý kiểm tra bằng cách soi đèn hay coi yếm sẽ biết cua thu hoạch được hay chưa. Thực tế cho thấy cách nuôi này không khó. Là phụ nữ tôi có thể vừa làm việc nhà vừa nuôi cua cũng nhàn” – chị Nguyễn Thị Quyên chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Quyên, nông dân nuôi cua trong hộp nhựa ở ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang có thu nhập tốt hơn nhờ nuôi cua bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn.
Theo chị Quyên, nguồn cua giống để “vỗ béo” được chị chọn mua lại của các thương lái ở địa phương. Loại cua dễ “vỗ béo” và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất là cua còn thiếu gạch, bởi giá trị cua gạch và cua 2 da tương đương, tuy nhiên thời gian cua gạch cho thu hoạch chỉ bằng 2/3 so với cua 2 da.
Mỗi hộp nhựa chị Quyên chỉ thả 1 con cua, nước nuôi cua được hệ thống lọc tuần hoàn cung cấp 24/24 giờ.
Đến nay, chị đã “vỗ béo” cua bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn được 5 vụ, tùy loại cua mà thời gian cho thu hoạch từ khoảng 20-40 ngày, mỗi vụ nuôi lời khoảng 5-7 triệu đồng. Đặc biệt, những vụ cua đón Tết hay nghỉ lễ lớn, giá cua tăng cao có thể lời gấp đôi.
“Khâu vệ sinh tuy đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng. Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên chà rửa hộp nhựa, thu dọn thức ăn thừa để nước không ô nhiễm.
Hằng ngày, khi cho ăn phải theo dõi cua còn linh hoạt không, nếu cua không ăn là có vấn đề, không nên tiếp tục giữ nuôi. Khi thả nuôi khoảng 1 tuần, cần kiểm tra xem gạch có lên hay không, nếu cua bị chai gạch, không phát triển thì phải bỏ” – chị Quyên cho biết.
Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) mô hình nuôi cua trong hộp nhựa có ưu điểm lớn là không cần nhiều diện tích đất vẫn có thể thực hiện.
Người nuôi chủ động được thời điểm thả nuôi, thời điểm thu hoạch để đạt lợi nhuận cao nhất. “Mô hình của chị Quyên qua đánh giá ban đầu mang lại lợi nhuận khá cao.
Khi thực hiện mô hình nuôi này không cần nhiều diện tích, khép kín được quy trình, không gây ô nhiễm nguồn nước. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình để người dân trong xã có điều kiện thực hiện” – ông Liêm cho biết.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn nuôi cua trong hộp nhựa” đang giúp gia đình chị Nguyễn Thị Quyên có thu nhập ổn định. Mặc dù mô hình có mức đầu tư ban đầu khá cao nhưng khi thực hiện những vụ tiếp theo sẽ không tốn nhiều chi phí.
Từ đó, mô hình đã mở ra hướng đi mới, có thêm sự lựa chọn hình thức nuôi cua phù hợp với điều kiện thực tế của người dân địa phương.
Ông Võ Văn Nhớ, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Dự án ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn nuôi cua qua thu hoạch tỷ lệ hao hụt ban đầu từ 10-20%. Sau khi đúc kết thêm được kinh nghiệm, đến vụ thứ 3, thứ 4, chị Quyên đã chọn giống tốt hơn.
Quá trình nuôi, chị cũng sàng lọc, kịp thời thu hoạch cua không đạt chuẩn, vừa hạn chế thiệt hại, vừa đảm bảo nguồn thu nên nâng cao được tỷ lệ thành công. Hiện tỷ lệ hao hụt cua đến khi thu hoạch xong chỉ còn khoảng 5%”.