Đây là con đường cao tốc hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay, tạo nên trục giao thông quan trọng nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tháng 11/2007, Thủ Tướng Chính phủ ra quyết định cho phép thực hiện dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo hình thức BOT, giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư.
Một đoạn tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: Thông tin đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng
Đến tháng 5/2008, dự án chính thức được khởi công. Chủ đầu tư đã giải phóng 1.430ha đất, bao gồm 115ha đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp liên quan 47.000 hộ dân; xây dựng 39 khu tái định cư cho 2.600 hộ dân. Dự án được xây dựng theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5km và 6 làn xe, trong đó 2 làn dừng khẩn cấp với tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, cho phép ô tô chạy với vận tốc tối đa 120km/h chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5-35m, được trải lớp tạo nhám dày 5cm. Các loại xe ô tô có tốc độ thiết kế dưới 70km/giờ, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ không được đi vào đường này, ô tô có tốc độ thiết kế dưới 80km/giờ chỉ được đi ở làn bên phải ngoài cùng.
Cao tốc có tổng chiều dài 105,5km và 6 làn xe. Ảnh: ST
Toàn tuyến có 6 điểm giao cắt với các quốc lộ đều là liên thông khác mức, ngoài ra còn có 9 cầu vượt lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822m, cầu Thanh An dài 963m; 21 cầu vượt loại trung, 22 cầu vượt nhỏ, 111 hầm chui dân sinh cùng hệ thống đường gom tổng chiều dài 164,8km.
Hà Nội-Hải Phòng cũng là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðiểm đầu của tuyến nằm trên Vành đai 3 Hà Nội, cách cầu Thanh Trì hơn 1km, điểm cuối là đập Ðình Vũ, quận Hải An (Hải Phòng).
Tuyến cao tốc đã được thông xe vào cuối năm 2015. Ảnh: Tạp chí Người Đưa Tin
Trong đó, đoạn đường qua Hà Nội dài 6km, qua Hưng Yên dài 26km, qua Hải Dương dài 40km, còn lại chạy qua Hải Phòng. Một điểm đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có biển báo rất rõ nét, mặt đường được phủ nhựa polymer theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng tính ổn định cho kết cấu bê tông. Với thiết kế này, các loại xe ô tô, đặc biệt các xe container siêu trường, siêu trọng có thể chạy thẳng luồng tới cảng biển lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là cảng biển Hải Phòng.
Trước khi có tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nếu phương tiện đi từ Hà Nội đến Hải Phòng mất 2,5 giờ thì giờ chỉ mất trong khoảng 1-1,5 giờ.
Trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: Báo Vietnamnet
Hiện tại, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang sử dụng hệ thống cân động WIM của hãng Kitsler, Thụy Sĩ cho công tác kiểm tra tải trọng xe tại các đầu vào đường cao tốc. Trên toàn tuyến có tổng số 13 làn cân được đặt tại các trạm thu phí và đầu nút giao Đình Vũ, có chức năng giám sát, kiểm tra tải trọng xe tự động.
Hình ảnh nhìn từ trên cao hai trạm dừng nghỉ theo tiêu chuẩn 5 sao của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: Việt Hùng/Báo Tổ Quốc
Hiện tại trên tuyến cao tốc này có 2 trạm nghỉ dừng được thiết kế và phục vụ theo tiêu chuẩn 5 sao. Hai trạm dừng nằm đối diện nhau, phục vụ cả ngày lẫn đêm, được khai trương từ cuối năm 2017.
Cận cảnh bên trong trạm nghỉ dừng. Ảnh: Vi Phong/Báo Tổ Quốc
Từ khi đi vào hoạt đông, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã giảm tải cho Quốc lộ 5, tiết kiệm chi phí xăng dầu cho các phương tiện, tăng mức độ thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.
Dự án đã mở ra cơ hội phát triển, góp phần quan trọng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, thu hút đầu tư đối với các địa phương liên quan. Đây là con đường cao tốc hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay, tạo nên trục giao thông quan trọng nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, kết nốt thủ đô Hà Nội với cảng biển Hải Phòng, sân bay Cát Bi với vịnh Hạ Long và vùng Đông Bắc của Tổ quốc tạo động lực phát triển mạng lưới giao thông và kinh tế xã hội của khu vực.
Tuyến đường này góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông phía Bắc cùng với các cao tốc Hà Nội-Ninh Bình, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên… Ảnh: Tạp chí Giao thông
Mặt khác, tuyến cao tốc này nằm trên tuyến hành lang đường bộ châu Á, ASEAN, nên sẽ góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng và thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuyến đường giúp kết nối cảng biển quan trọng phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, giao lưu văn hoá.