Nhiều hộ nông dân tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước để liên kết phát triển nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đời sống nông dân ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt, mô hình nuôi hàu sữa, nuôi cá bớp trên sông Chà Và của nhiều hộ nông dân xã Long Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sống khỏe nhờ nuôi hàu sữa
Nếu như con nghêu xuất hiện nhiều ở cửa sông ven biển Phước Tỉnh, Phước Hải thì ngược lại, khu vực cửa sông Chà Và là vùng nuôi hàu nhiều nhất.
Hàu sữa Long Sơn được coi là đặc sản riêng của khu vực này, cung cấp cho thị trường khu vực Đông Nam Bộ.Với khoảng 2.000m2 diện tích bè, gần 60 ngàn miếng giá thể nuôi hàu sữa, ông Nguyễn Công Thức, ở khu 2, xã Long Sơn chia sẻ, vùng nước ở đây không có loài thủy sản nào thích hợp hơn con hàu.
Cầm trên tay dây hàu sữa Thái Bình Dương, ông Thức cho biết, trước đây ông từng nuôi hàu đá. 3 năm trở lại đây, ông chuyển qua nuôi hàu sữa, vì thời gian nuôi ngắn, chừng 5 – 6 tháng đã cho thu hoạch. Còn nuôi hàu đá thì phải cả năm.
Qua hơn 4 tháng nuôi, đến nay, hàu phát triển nhanh với tỉ lệ sống khá cao, thịt nhiều, giàu dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng.
“Hàu vỏ được HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn thu mua từ 20 – 22 ngàn đồng/kg, trọng lượng trung bình 14 con. Mỗi vụ hàu, gia đình thu hoạch từ 50 – 60 tấn hàu vỏ. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi nhuận khoảng 40% tổng doanh thu”, ông Thức cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quý Trọng Bình (bên trái), Giám đốc HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) cho biết, hàu sữa và các loại cá của nông dân được HTX thu mua, sơ chế biến đóng gói cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và khách du lịch khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cách đó không xa, tại bè nổi nuôi hàu sữa Thái Bình Dương của chị Trần Thị Thúy Liên, ở thôn 3, cũng bước vào kỳ thu hoạch.
Theo tính toán của chị Liên, với 500m2 bè nuôi, gia đình chị thu hoạch gần 6 tấn hàu vỏ, lợi nhuận cao gấp 4-5 lần so với vốn đầu tư ban đầu. Sau khi thu hoạch lứa hàu này, gia đình chị sẽ mở rộng thêm 1 bè nữa.
Theo các hộ nuôi, so với các đối tượng nuôi khác, nuôi hàu chi phí không lớn, kỹ thuật đơn giản, chủ yếu bỏ công lao động chăm sóc, đầu ra và giá cả khá ổn định do được HTX thu mua.
Gắn kết, hợp tác cùng phát triển
Hiện nay, 18 hộ hội viên nông dân nuôi hàu, cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú trân châu… trên sông Chà Và (tổng diện tích gần 2ha) đã liên kết với HTX trong sản xuất và bao tiêu đầu ra ổn định.
Bà Lưu Thị Bích Duyên, ở thôn 9, xã Long Sơn trước đây làm nghề thu mua cá nuôi trên địa bàn. 3 năm nay, thấy những hộ khác nuôi hiệu quả, gia đình bà cũng đầu tư 1 bè (diện tích 2.000m2) nuôi cá bớp, cá chim và cá mú thương phẩm.
“Cá mú sau thời gian nuôi khoảng 11 tháng đạt trọng lượng 5-6kg/con là thu hoạch. Cá thương phẩm được HTX thu mua với giá trung bình 170 ngàn đồng/kg. Tôi gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè và thấy hiệu quả kinh tế ổn định. Các thành viên trong HTX thời gian qua đều nuôi đạt hiệu quả, lợi nhuận từ 30-50%/tổng doanh thu”, bà Duyên chia sẻ thêm.
Theo Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch khoanh vùng nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025, xã Long Sơn được quy hoạch 16 tiểu khu nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sông Chà Và 8 tiểu khu (từ 1 – 8); sông Dinh 3 tiểu khu từ (9 – 11); sông Cỏ May 3 tiểu khu (từ 13-15); rạch Cây Khế 1 tiểu khu, với tổng số 246 hộ/7.137 lồng/297.469m2 lồng bè.
Theo ông Nguyễn Quý Trọng Bình, Giám đốc HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn, thành công của một HTX là tìm được hướng phát triển sản xuất phù hợp sau đó là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Việc liên kết giữa sản xuất nuôi trồng thủy sản và khai thác tiềm năng lợi thế từ du lịch không những giúp nông dân tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất tăng lên.
“Xác định nghề nuôi thủy sản lồng bè là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Long Sơn đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn; vận động thành lập HTX, tổ hợp tác gắn với liên kết đầu ra.
Đồng thời, địa phương phối hợp với ngành chuyên môn thành phố, của tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng con giống, môi trường… Qua đó, giúp cho nghề nuôi thủy sản lồng bè của nông dân được thuận lợi, hiệu quả, bền vững”, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) Đinh Thanh Tân cho hay.