Tần tảo sớm hôm cả một đời để chăm lo cho con cái, đến khi về già, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng ‘giấu nhẹm’ tâm tư, suy nghĩ của bản thân. Bởi vậy, con cái phải thật sự tinh tế để có thể nhận ra những điều ấy.
Theo một khảo sát mới nhất được công bố gần đây cho thấy, cứ mỗi 10 người lớn tuổi thì lại có đến 4 người ngại thổ lộ với con cái mình – điều thường khiến cha mẹ và con cái không thấu hiểu được cho nhau. Cũng theo khảo sát, cha mẹ thường giữ kín những tâm tư ấy vì họ không muốn mình trở thành gánh nặng cho con. Điển hình nhất trong những băn khoăn, lo lắng ấy có thể kể đến những điều sau đây…
Giấu nhẹm nỗi lo về sức khỏe, sợ trở thành gánh nặng
Khi tuổi già ập tới, sức khỏe thường giảm đi, bệnh tật cũng bắt đầu tìm tới. Cha mẹ luôn có những ngày đau đầu, mỏi người, nhức chân nhức tay, ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên, họ không phàn nàn với bất cứ ai khác. Nếu con cháu có nhận ra, họ chỉ nói một cách nhẹ nhàng “bệnh này qua đêm là khỏi”, “ngủ một giấc là sẽ tốt hơn thôi”…
Thực chất, thâm tâm họ chỉ không muốn đem lại phiền phức hay tạo thêm gánh nặng cho con cái. Họ càng không muốn nói ra để khiến con cái phải lo lắng, bận tâm về mình. Đây là “tâm bệпh” của đa số các bậc làm cha, làm mẹ.
Đó là lý do mà con cái phải luôn dành thời gian để thăm hỏi cha mẹ, cho dù chỉ là một cuộc điện thoại ngắn ngủi vài phút cũng đủ thời gian để tận mắt nhìn thấy cha mẹ mình. Đồng thời, đừng đợi đến lúc họ già yếu, ốm đau mới bắt đầu chăm lo vấn đề sức khỏe.
Nói chuyện ‘nửa chừng’ vì sợ … lỡ lời làm con cái phật ý
Khi người ta đã già, họ sẽ giống như một đứa trẻ. Sẽ có lúc cha mẹ để ý sắc mặt của bạn, xem xem bạn đang vui vẻ hay u sầu. Hỷ, nộ, ái, lạc của bạn cũng chính là hỷ, nộ, ái, lạc của họ. Đôi khi, họ nói chuyện dài dòng, lặp đi lặp lại những câu vừa nói xong. Con cái cũng trở nên mất kiên nhẫn và không để tâm tới những gì họ nói. Cha mẹ sẽ luôn để ý thái độ này, âm thầm đặt vào trong lòng chứ không nói ra.
Bất luận là cuộc sống có vất vả và bận rộn đến đâu, đáng nhẽ chúng ta vẫn có thể dành ra thời gian để ngồi lại, cùng tâm sự với cha mẹ. Chỉ cần lắng nghe những chuyện xung quanh cuộc sống của con cái, chứng kiến con cái ngày một trưởng thành, đó đã là một niềm hạnh phúc của cha mẹ.
Sợ không giúp được con cái khi hoạn nạn
Khi con cái phải đối mặt với sự vất vả của cuộc đời, lỡ gặp chuyện không may, cuộc sống kém thuận lợi, đó đều là những lúc cha mẹ đau đớn và lo lắng nhất. Có đôi khi, họ hàng, bạn bè cười nhạo, gây trở ngại cho bạn, duy chỉ có cha mẹ vẫn dành tình yêu thương cho con cái vô điều kiện. Thấy con vấp ngã, tổn thương và thất bại, nhưng không thể giúp đỡ, đó là điều cha mẹ lo lắng nhất.
Suy cho cùng, trên cuộc đời chỉ có mỗi cha mẹ ta là yêu thương ta nhất. Chính vì thế nên họ mới luôn nghĩ đến con cái, đôi khi sợ con lo lắng, phiền lòng mà không muốn nói ra những cảm nhận của bản thân.
Cha mẹ của hiện tại cũng chính là hình dáng của bạn trong tương lai. Bạn là con cái của cha mẹ, cũng là cha mẹ của con cái. Do đó, hãy dành thời gian để thấu hiểu và đồng cảm cho những tâm tình của cha mẹ bây giờ.