Biết mình trở thành tỷ phú, anh Tuấn ba gác rút ngay một tờ vé độc đắc trị giá hơn 1 tỷ đồng kèm 200.000 đồng đưa cho chị Lành. Anh bảo đó là tiền trả nợ mua vé của chị và tặng thêm một tờ.
Sau khi trúng số, người ta thường nghĩ tới chuyện chi tiêu ra sao đối với số tiền tỷ bỗng dưng có được. Song ít ai nghĩ tới “lại quả” hoặc chỉ có một chút gọi là cảm ơn cho người bán vé số – người gián tiếp đem may mắn đến cho chính chủ. Vậy mà cách đây chục năm, có một người đàn ông sẵn sàng “cảm ơn” người bán vé số hơn 1 tỷ đồng đã giúp anh trở thành… tỷ phú.
Trúng độc đắc nhờ mua vé số… ế
Giữa tháng 11/2011, anh Đỗ Tuấn (SN 1967, ngụ Bến Lức, Long An) – hay còn gọi là Bôn “ba gác” làm nghề chở xe ba gác đang ngồi buồn chán vì cả ngày không kiếm được cuốc xe chở hàng nào thì thấy điện thoại reo lên. Anh mừng rỡ, cứ ngỡ có khách gọi xe, ngờ đâu lại là chị Lành bán vé số – người đàn bà hay nài nỉ anh mua vé số ế giúp.
“Tôi biết cô ấy kiểu gì cũng gọi mời mua vé số nên tắt điện thoại đi luôn. Nhưng cô ấy cứ gọi đi gọi lại, tôi đành miễn cưỡng nghe cô ấy than thở chuyện hàng ế ẩm. Thế rồi chẳng hiểu sao tôi lại gật đầu đồng ý mua chịu 20 tờ vé số ế”, anh Tuấn từng cho hay.
Mua 20 tờ vé số chưa được bao lâu, anh Tuấn tiếp tục nhận được cuộc gọi của chị Lành. Anh định bụng mắng tại sao đã gọi điện đòi tiền rồi? Song vừa ấn nghe, chị Lành đã xối xả đòi anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho chị. Đồng thời chị thông báo anh đã trúng độc đắc. Tuy nhiên anh không tin: “Tôi làm sao tin được chứ, vì thế đã gạt phắt đi bảo đừng có xạo, muốn lấy tiền vé cứ nói đại đi. Sau đó tôi hứa giao hàng xong, lấy được tiền của người ta sẽ tới đem trả rồi tắt máy, tiếp tục công việc”.
Anh Tuấn làm nghề chạy xe ba gác.
Anh Tuấn hoàn thành công việc đã được khách bo thêm 300.000 đồng. Anh mừng rỡ vì có tiền trả nợ vé số mới mua nên chạy xe một mạch đến quán cà phê gặp chị Lành. Anh kể vừa tới cửa quán, đã có hàng chục người chạy lại nói lời chúc mừng anh trở thành tỷ phú. Anh vẫn không tin và nghĩ họ đùa, vì thế đã giỡn lại nếu trúng thật sẽ bao cả xóm đi du lịch Châu Đốc (An Giang).
“Tôi chưa nói xong, cô Lành đã tiến lại gần rồi mở túi lấy tệp vé số ra trả không thiếu tờ nào cả. Thậm chí cô ấy còn giải thích tệp này có 10 tờ đuôi 07 đều trúng hết, trong đó có 4 tờ trúng độc đắc, còn lại là giải an ủi.
Tôi bán tín bán nghi nên cầm lên dò xem sao? Và tôi đã không tin vào mắt mình, những lời cô ấy nói hoàn toàn là thật. Tôi còn bỏ điện thoại ra nhắn tin tra kết quả của tổng đài để chắc chắn hơn. Kết quả trùng khớp với dãy số trên tay khiến tôi bật khóc vì quá sung sướng”, anh Tuấn tâm sự.
Biết mình trở thành tỷ phú, anh Tuấn ba gác rút ngay một tờ vé độc đắc trị giá hơn 1 tỷ đồng kèm 200.000 đồng đưa cho chị Lành. Anh bảo đó là tiền trả nợ mua vé của chị và tặng thêm một tờ. “Tôi bảo với cô ấy là hai anh em có phước thì cùng chia nhau hưởng. Người ta cho rằng tôi tặng một tờ độc đắc là quá nhiều, chỉ cần tờ an ủi là đủ. Nhưng tôi không nghĩ vậy, nếu cô ấy giấu nhẹm mấy tờ đó đi thì tôi đâu có được diễm phúc thành đại gia chứ”, người đàn ông vui vẻ nói.
Sống cuộc đời bình dị đến ngỡ ngàng
Nhiều người sau khi “lên đời” nhờ trúng số sẽ bắt đầu một cuộc sống hưởng thụ thì anh Tuấn lại khác. Anh có trong tay hơn 6 tỷ đồng nhưng vẫn giản dị không khác lúc chạy xe ba gác là bao. Thậm chí anh vẫn làm nghề chạy xe ba gác chở hàng thuê cho bà con trong chợ. Anh bảo đã quá quen với công việc đó nên không nghỉ được. Hơn nữa anh sợ ở nhà vì không làm gì sẽ buồn bực chân tay.
Nhiều người sau khi “lên đời” nhờ trúng số sẽ bắt đầu một cuộc sống hưởng thụ thì anh Tuấn lại khác. Ảnh minh họa
“Tôi sinh ra và lớn lên trong nghèo đói. Khi lập gia đình cũng phải chạy ăn từng bữa với bao món nợ nần. Trong lần chở hàng, tôi không may bị miếng tôn sắc như dao cắt gần như lìa cánh tay trái khiến phải nằm viện mấy tháng trời. Nếu không có sự giúp đỡ của chị gái thì có lẽ cánh tay phải cắt bỏ rồi.
Hồi đó, chị lo toàn bộ tiền viện phí, thuốc men gần 50 triệu đồng lận. Khi khỏe lại, vợ chồng tôi lo từng bữa cơm, có hôm phải nhịn đói để nhường cơm cho con”, anh Tuấn nhớ lại quá khứ cơ cực.
Biết ơn những người đã cưu mang mình, vì vậy khi có tiền trong tay, anh Tuấn đã trích một phần giúp người thân sửa sang nhà cửa và trang trải cuộc sống. Ngoài ra anh còn bỏ tiền mua gạo, thịt… giúp hàng xóm, nhất là người già neo đơn. Số còn lại anh đem gửi ngân hàng lấy lãi, chứ không dám tiêu pha linh tinh.
Đến nay khi về thị trấn Bến Lức hỏi anh Tuấn ba gác, bà con vẫn nhớ vanh vách câu chuyện trúng số của anh. Ai cũng khen ngợi đức tính trung thực của chị Lành và tấm lòng biết ơn của anh Tuấn.