Sống ở đời, ngoài sức khỏe, nhan sắc thì cái tâm cũng là thứ làm nên cốt cách mỗi người.
Mỗi người đều có hai phần thân và tâm. Thông thường, khi quan sát con người thì thứ đầu tiên đập vào mắt ta chính là hình sắc hay thân thể; còn tâm tư thì chúng ta có thể nắm bắt phần nào thông qua cảm nhận.
Có thể nói, tâm là gốc của thân; tâm có yên thì gốc mới vững vàng nên thân thể sở dĩ bị bệnh hoạn là do tâm bị ép vô minh che lấp. Khi muốn thân thể khỏe mạnh, ít bệnh hoạn thì chúng ta cần nỗ lực làm tâm lặng lẽ và sáng trong. Bởi, khi tâm tham lam ích kỷ, hay ganh ghét tật đố, cuồng si điên dại, lo lắng sợ hãi sẽ làm thân thêm bệnh hoạn do tâm bị vẩn đục.
Tóm lại, tâm trong lời Phật dạy chính là chuyển nghiệp, sửa mình để thay đổi số phận theo chiều hướng tích cực nhằm đạt tới cứu cánh tối đa là “giải thoát”. Theo đó, tâm là một thế giới cần được khám phá hơn bất cứ điều gì; nhưng bằng trực quan thì chúng ta không thể thấy, không biết và không hiểu được nó mà cần phải suy luận thông qua các hiệu ứng mà nó đem lại.Theo quan điểm của nhà Phật thì tâm của chúng ta không tồn tại dưới dạng vật chất nên không thể nắm bắt được nó, nhưng không có tâm thì vật chất được coi là vô nghĩa và vô tri vô giác.
Khi có tâm từ và từ bi, con người sẽ dễ cảm thông với người khác hơn, do vậy mà có thể làm giảm nhẹ bớt tâm tức giận, tâm sân hận. Khi có tâm hỷ và tâm xả, con người sẽ giảm bớt được tâm ghen tỵ, tâm đố kỵ, tâm hơn thua và tâm cố chấp. Cho đến khi nào mà tư vô lượng tâm của bạn tròn đầy, vọng tâm tan biến thì tâm ý của bạn sẽ trở nên an nhiên tự tại hơn, từ đó chân tâm sẽ xuất hiện. Con người chúng ta có thể nhận biết được mọi sự việc bên ngoài khi mắt nhìn thấy nhưng lại không thể nhận biết được những sự việc trong tâm trí. Khi cái tâm ý của ta điên đảo, dẫn đến tạo nghiệp là nguyên nhân chính khiến chúng ta bị cuốn vào vòng sinh tử luân hồi. Khi tâm của chúng ta suy nghĩ chân chính thì mới phát sinh ra những hành động tốt đẹp được, nếu tâm suy nghĩ tà thì sẽ gây ra những hành động xấu và tội lỗi. Do vậy, thân của chúng ta hành động tốt hay xấu đều do cái tâm của mình chủ động điều hành. Chính vì vậy, cái tâm của mỗi con người là quan trọng hơn hết, nếu không có tâm thì coi như thân thể này là phế bỏ.
Hiểu rõ lời Phật dạy về chữ tâm sẽ giúp mỗi chúng ta thức tỉnh, gieo chữ tâm tốt sẽ nhận được trái ngọt, cuộc sống của ta sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng, bình dị và hạnh phúc hơn. Do vậy, mỗi người hãy luôn giữ cho mình một chữ tâm thiện lành và trong sáng.