Trong Phật giáo, chữ Nhẫn luôn được nhắc đến như đức tính cao quý nhất. Người biết nhẫn nhịn, tất sẽ được trường thọ.
Nhẫn là đức tính cao quý nhất ở đời
Nhẫn không phải là nhục, mà là vì lợi ích của thiên hạ, nhận lấy phần thiệt về mình. Nhẫn, không phải là đè nén, mà là gìn giữ chân tình hòa hợp, dùng yêu thương để hóa giải oán thù. Nhẫn là đức tính cao quý nhất trong đời, giúp tầm mắt được rộng mở, trái tim thêm ấm áp, biết trân trọng giá trị sống của chính mình và nhân sinh.
“Nhân vô thập toàn”, không phải lúc nào cuộc sống cũng được như ý. Trên đường đời gập ghềnh, sẽ có những lúc gặp phải những trái ngang không thể lường trước được: bị nói xấu, hãm hại, bất kính, phản bội, họa vô đơn chí, và mất hết tất cả. Oán hận, có thể mang đến cho ta ý chí sinh tồn, tự đứng dậy từ đống tro tàn, nhưng không thể giúp ta trở nên tự tại, thoát khỏi bể khổ trầm luân.
Những lợi ích của nhẫn nhục
Người nhẫn nhục, trước hết sẽ giữ được cơ thể tráng kiệt. Không tức giận, da sáng khỏe, hồng hào, điều hòa tim mạch, khí huyết lưu thông. Người nhẫn nhục ít bệnh tật, hiếm khi tức giận và có thể sống đến trường thọ. Người nhẫn nhục, sẽ nhận được nhiều tin tưởng và yêu thương từ người khác. Với gia đình, nhẫn làm giảm đi những xô xát, đổ vỡ không đáng có. Với đồng nghiệp, nhẫn tạo nên sự liên kết, thấu hiểu và tin tưởng trong công việc.
Phật dạy, biết nhẫn nhục có nghĩa đang trả hết những nghiệp chướng mình đã tạo. Con người sinh ra ở đời chỉ có hai sứ mệnh: một là tạo phúc, hai là trả nghiệp. Càng nói lời cay độc, ân oán càng chất chồng. Càng sinh lòng oán hận, nộ khí chẳng thể tiêu tan, con người mãi mãi chẳng thể tìm được về cõi an lạc. Nhẫn là trả nghiệp, làm sạch tâm can, soi sáng lòng mình và lục căn kẻ khác.