Chu Thúy Hường đã mất ngủ hai đêm trước khi xuống Hà Nội nhập học, trở thành tân sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội. Vì với em, đây vừa là giấc mơ nhưng cũng là thử thách mà em không biết với sức của mình có thể vượt qua.
14h00 ngày 3/10, Chu Thuý Hường có mặt tại ký túc xá của Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội để làm thủ tục nhận phòng. So với các tân sinh viên khác, Hường có hơi đặc biệt khi em được các cô chú thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng đến trường trong ngày đầu tiên trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Y Hà Nội.
Tân sinh viên Chu Thúy Hường (áo xanh cầm quà đứng giữa) trong ngày đầu tiên nhập học tại Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh N.H
Chia sẻ với phóng viên, Chu Thuý Hường cho biết, em là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại huyện biên giới Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Hường mồ côi bố khi mới 6 tháng tuổi. Lúc đó, mẹ em cũng đang mang bầu em gái. Một mình mẹ với hai sào ruộng nuôi hai chị em Hường ăn học. Từ năm lớp 7, khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có chương trình nâng bước em tới trường (năm 2016), Hường đã được các chú Bộ đội Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn hỗ trợ nuôi ăn học.
Không phụ lòng mẹ và các chú, 3 năm học THPT, Hường đều là học sinh giỏi. Không những thế, em còn đạt giải học sinh giỏi môn Sinh của tỉnh Lạng Sơn.
Tuy vậy, biết hoàn cảnh không cho phép, ngay từ đầu, Hường xác định học xong THPT, em sẽ đi làm. Chính vì thế, 10 ngày sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hường đã theo bạn xuống Bắc Ninh làm công nhân. Tuy vậy, các cô chú bộ đội Biên phòng vẫn động viên Hường đăng ký xét tuyển ĐH. Với 25,25 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh), Hường đăng ký nguyện vọng 1 ngành Điều dưỡng, Trường ĐH Y Hà Nội. Các nguyện vọng tiếp theo, Hường đăng ký Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Thái Bình, Trường ĐH Y Thái nguyên. Nhưng với mức điểm như trên, Hường đã trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Chia sẻ thêm, Hường cho biết em làm công nhân tại Bắc Ninh được hai tháng. Cộng với lương tăng ca, mỗi tháng em được trả 6 triệu đồng. Khi nhận thông tin được đi học ĐH, Hường mừng rơi nước mắt.
Cô tân sinh viên cho biết, em gái em năm nay đang học lớp 12 và mục tiêu sẽ xét tuyển vào các trường sư phạm để được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, giảm gánh nặng lo toan cho mẹ vào năm tới.
Ông Đoàn Ngọc Báu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết chiều 30/9, nhờ sự kết nối của kênh truyền hình Quốc phòng, đã có nhà hảo tâm hỗ trợ Hường học phí 4 năm học ĐH. Ngay trong chiều, ông Báu đã liên lạc tới Trường ĐH Y Hà Nội để kết nối làm các thủ tục cho Hường và mong muốn nhà trường có thêm chính sách hỗ trợ em.
Hỗ trợ thí sinh trước khi trở thành sinh viên
GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho hay nhận được thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên với chủ trương của Nhà trường bắt đầu triển khai từ năm nay.
GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội tặng cô nữ sinh Chu Thúy Hường chiếc áo truyền thống của Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh N.H
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, năm nay, các trường ĐH đều điều chỉnh tăng học phí theo Nghị định học phí mới của Chính phủ. Do đó, có những sinh viên gặp khó khăn và cân nhắc học ĐH hay không. Nhà trường đã có một số chính sách hỗ trợ cho sinh viên.
Cấp học bổng là một trong số những chính sách này. Nhưng việc cấp học bổng chỉ thực hiện khi các em đã trải qua ít nhất 1 năm học tại trường, có thành tích học tập, rèn luyện và có hoàn cảnh khó khăn.
Thực tế có nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa dám nhập học, cần phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp. Bước đầu, nhà trường triển khai chỗ ở miễn phí trong ký túc xá cho tân sinh viên khó khăn với số lượng 10 suất/năm.
GS Nguyễn Hữu Tú thông tin với hoàn cảnh của Hường, em được miễn phí hoàn toàn chỗ ở ký túc xá trong suốt thời gian học. “Học ngành Y ngoài vất vả còn tốn kém. Có em đỗ nhiều trường trong đó có trường Y nhưng không lựa chọn học. Xuất phát từ thực tế đó mà trường có chính sách hỗ trợ cho sinh viên”, GS Nguyễn Hữu Tú nói. Đồng thời cũng mong muốn xã hội cung tay hỗ trợ những em thí sinh khó khăn trước khi nhập học.
Hiện Trường ĐH Y Hà Nội cũng đang kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng các quỹ học bổng cho thí sinh nhập học chứ không phải trong quá trình học.
Chia sẻ với Hường, GS Nguyễn Hữu Tú cho hay em đã đăng ký học một chương trình đặc biệt của Trường là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến do Trường “nhập khẩu” từ Mỹ. Đây là chương trình duy nhất của nhóm ngành Sức khoẻ đào tạo tại Việt Nam cấp chứng chỉ hành nghề được nước ngoài chấp nhận. Tuy nhiên, thách thức là đào tạo bằng tiếng Anh nên GS Tú cho rằng Hường cần cố gắng nhiều hơn. Nhưng chương trình cũng có nửa năm hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho người học nên Hường có thể yên tâm.
Rưng rưng nói lời cảm ơn, Hường cho biết em đã mất ngủ 2 đêm trước khi xuống Hà Nội nhập học. Em lo lắng vì không biết môi trường mới như thế nào, liệu em có quen được không. Đồng thời lo lắng liệu có hoàn thành được nhiệm vụ học tập như kỳ vọng của những tấm lòng đã giúp đỡ em. Dù vậy, em cũng đặt quyết tâm phải học tập thật tốt. Trước hết là phải đạt được trình độ tiếng Anh theo quy định của chương trình học trong thời gian quy định.