Tên thật của bà là Đỗ Thị Lan, sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng gốc quê ngoại ở Huế lại mấy chục năm bươn chải bán rong các loại bánh đặc sản xứ Huế nên mọi người thường gọi bà là Năm Huế.
Dú đã 85 tuổi nhưng bà Năm Huế đi lại vẫn nhanh nhẹn, tinh mắt thính tai, tính tiền cho khách rất nhanh và không sai một cắc. Nhìn lại đời mình, bà Năm ngậm ngùi kể. Bà mồ côi mẹ từ khi lên bảy tuổi, suốt những năm tháng tuổi thơ bà sống với cha và mẹ kế. Không phải tình máu mủ, lại sẵn tư tưởng hẹp hòi nên mẹ kế không cho bà Năm đi học. Đời bà có được đôi ba chữ đủ để nhận mặt mệnh giá đồng tiền và tính tiền cho khách là do bà học lỏm mỗi khi có dịp đi ngang lớp học của ông thầy đồ gần nhà. Lên 10 tuổi đầu bà Lan bắt đầu cuộc sống mưu sinh buôn bán ở chợ đời.
Cuộc sống vất vả nhọc nhằn, tự lực cánh sinh đã hình thành nên ở bà Năm một phẩm chất chịu thương chịu khó và chắt chiu tằn tiện. Bà tâm niệm, phải kiếm ra nhiều tiền để tự trang trải cuộc sống và hiện thực hóa những ước mơ, những khao khát mà suốt tuổi thơ thiếu thốn bà hằng ấp ủ. Tiền với bà là một triết lý sống, một phương châm cho mọi hành động và ứng xử. Bà quý trọng đồng tiền và cẩn trọng trong làm ăn buôn bán, có ý thức tích tiểu thành đại.
Năm 20 tuổi bà Năm lấy chồng. Vì chồng bà có mấy người anh theo cách mạng tập kết ra Bắc nên ông phải làm việc cho chế độ cũ để không bị bắt bớ. Năm 1956 bà bồng con theo chồng lên Buôn Ma Thuột nơi ông làm việc. Công việc của bà lại vẫn là buôn bán nuôi con. Năm 1960 gia đình bà lại chuyển về Sài Gòn sinh sống, bà mở một tiệm cơm bình dân chủ yếu bán cho binh lính. Cho đến ngày gần giải phóng thì ông bỏ bà đi lấy vợ khác.
Quán bánh Huế của bà Năm Huế ở mặt tiền căn nhà bà mua được từ chính tiền bán bánh rong tích cóp.
Cái “lý do” mà ông thuyết phục và trấn an bà là: “Trước sau gì rồi cách mạng cũng thắng và chế độ cũ sẽ sụp đổ, mình phải lấy một người vợ Bắc để khỏi phải đi tù”. Thế là 37 tuổi đời, một nách 8 người con nheo nhóc, bà Năm ôm vết thương lòng, cắn răng gồng mình bươn chải nuôi con bằng đủ thứ nghề, từ làm thuê làm mướn cho đến buôn thúng bán bưng, miễn là kiếm được tiền để đàn con không chết đói.
Có thời điểm bà phải xin đi rửa chén bát với mức tiền công rẻ mạt để học nghề làm các loại bánh từ bánh khảo cho đến bánh bò rồi đến bánh nậm, bánh bột lọc, bánh cuốn thịt, nem chua, tré đều là những loại bánh đặc trưng của xứ Huế. Khi đã học được nghề rồi, xét điều kiện của mình không đủ vốn liếng mở cửa hàng, bà Năm làm một gánh hàng rong đi bán. Cũng vì không có vốn, bà phải xin được người ta bỏ mối bánh và lấy tiền sau. Rồi bà tự lực làm lấy bánh để bán.
Bà Năm Huế và tác giả bài viết.
Cứ 9h sáng hàng ngày bà gánh bánh đi đến 1h đêm mới về ngả lưng vài tiếng trong căn nhà tồi tàn của mình, khi đàn con đã say giấc ngủ. 4h sáng bà đã lại dậy xay bột làm bánh, rồi 9h lại quẩy gánh hàng rong đi. Ngày tháng của bà cứ tuần tự như thế. Những đứa con lớn lên, được ăn học đàng hoàng là nhờ vào gánh hàng rong của bà.
Hơn 40 năm làm nghề bán bánh rong, có nhiều khi buôn bán bà bị trật tự chính quyền xua đuổi, thậm chí là bắt ký cam kết không được bán hàng rong ở khu vực trung tâm thành phố. Bắt bà thì cứ bắt nhưng bảo ký cam kết thì bà không ký: “Tôi ký hay không ký thì cũng thế thôi. Nay tôi ký mai tôi lại bán. Gánh hàng của tôi nuôi 8 người con, không cho tôi bán thì các con tôi chết đói à”.
Mãi rồi các đồng chí công an khu vực và các nhà quản lý chính quyền cũng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của bà. Hơn nữa, bà Năm bán rong nhưng lại rất có ý thức giữ gìn trật tự lại biết giữ gìn vệ sinh đường phố. Bánh của bà thì ngon và dần dần nổi tiếng đến mức, nhiều người vẫn đợi bà đi qua cửa nhà mình để mua, như một thói quen.
Bà bảo: “Tôi nghĩ, mình cứ làm bánh cho sạch, cho ngon, thì đắt mấy người ta cũng ăn. Bánh và nem phải là loại gạo ngon nhất, thịt với tôm phải tươi, làm phải sạch sẽ cẩn thận đảm bảo vệ sinh và an toàn. Chỉ cần mình làm ẩu một lần người ta ăn thấy chán là sẽ mất uy tín và tiếng tăm. Giá cả cũng vậy thôi, một chiếc bánh mình ăn lãi ít nhưng bán được nhiều chiếc thì giữ được khách, nhiều khách đến với mình là mình lãi nhiều”.
Bà Năm tuyệt đối không bao giờ dùng loại bột chua hay hàn the và những loại thịt, tôm ôi thiu để làm bánh. Phương châm và tôn chỉ của bà là kiếm tiền. Nhưng chỉ kiếm tiền bằng công sức chính đáng của mình chứ tuyệt đối không làm điều xấu. Bà rất vui vẻ, nhưng cũng rất nhẫn nhịn trong việc kiếm tiền. Khách hàng dù có khó tính, cự nự hay nặng lời đến đâu, bà cũng không bao giờ to tiếng và lại.
Bà chia sẻ: “Họ nói gì kệ họ, họ chê thì mình tiếp thu nhưng quan trọng là mình nhẫn để lượm tiền đi mua vàng. Tôi nghĩ họ bỏ tiền ra mua đồ của mình, họ có quyền khen chê. Họ chưa hài lòng thì cũng là nhắc nhở mình làm sao phục vụ khách cho tốt hơn nữa. Tôi không nổi nóng bao giờ”.
Những món ăn dân dã do chính tay bà Năm chế biến được khách hàng yêu thích.
Dù khi còn gồng gánh hay khi bà đã có tiệm riêng thì bà Năm vẫn luôn niềm nở và ngọt ngào dạ vâng, thưa cô thưa cậu chứ tuyệt đối không nói xẵng với khách. Cứ nhìn vào cái cách bà thu tiền của khách rồi cẩn thận phân loại sắp sếp từng tờ tiền mệnh giá khác nhau, rồi cho vào túi ni lông cuộn cẩn thận là đủ biết bà trân quý đồng tiền đến mức nào. Từ khi còn làm thuê làm mướn cho đến khi tự mình buôn bán dù không biết chữ nhưng bà tính tiền bằng cách nhẩm rất nhanh và không bao giờ nhầm lẫn. Cái cách bà chắt chiu cũng rất căn cơ.
Bà nói: “Tôi sinh ra vốn nghèo khổ, nhưng tôi không khinh tiền như nhiều người nghèo khác hay tỏ ra như vậy. Tôi không giấu giếm là tôi thích tiền. Tôi tích cóp được chín đồng thì phải cố cho được mười đồng. Mọi người làm ăn to lớn thì nói tiền chửa tiền đẻ thế nào, chứ tôi là tôi thích mua vàng để cất giữ”. Chi tiêu trong gia đình bà Năm cũng tằn tiện và tính toán để sao cho con cái vừa có ăn lại vừa học được cách tiết kiệm và quý trọng đồng tiền. Lúc có nhiều tiền rồi bà cũng không hoang phí.
Đối với các con, bà Năm rất quan tâm chuyện học hành. Theo bà nghĩ, mình học được làm được thì người ta phục vụ mình, mà không học được làm được thì mình phục vụ người ta. Chỉ với gánh hàng rong trên đôi vai gầy guộc vậy mà bà đã nuôi được 8 người con khôn lớn và học hành thành đạt. Hiện tại có 6 người con của bà đang sinh sống và làm việc ở các nước Mỹ, Đức, Canada, còn hai người con ở lại với bà cũng là bác sỹ làm việc ở một bệnh viện lớn trong thành phố.
Nói về chuyện cho con đi học và sinh sống ở nước ngoài, bà bảo: “Người ta đóng tầu cho con đi nước ngoài, tôi đây không đóng tầu nhưng cũng chẳng khác đóng tầu cho con đi”. Chỉ với gánh hàng rong mà bà Năm đã mua được bốn căn nhà ở Sài Gòn, mỗi căn nhà có giá khoảng 500 lượng vàng. Vừa rồi bà đã bán đi một căn 500 lượng để cho hai người con qua Canada học và sinh sống. Tuổi đã cao không còn đủ sức gánh hàng đi bán nữa, bà đã dùng một căn nhà trên một đường phố chính ở trung tâm thành phố để làm cửa hàng và vẫn chỉ bán những loại bánh như bao nhiêu năm bà vẫn làm. Bà không khuyến khích các con tiêu xài hoang phí và để rồi chúng sinh ra lười nhác.
Nói về chồng mình, người đàn ông đã dứt áo ra đi, để lại bà tay trắng với 8 đứa con thơ dại, bà chia sẻ rằng, bà không hận ông mà chỉ giận thôi. Dù giận thì giận vậy, nhưng khi cuối đời sức khỏe yếu ông trở lại sống với bà, bà vẫn chăm sóc ông chu đáo và khuyên nhủ các con “không được giận bố vì có bố mới có các con”. Ông quay lại với bà được ba năm thì ông mất. Bà lo lắng cho ông chu toàn và cảm thấy rất thanh thản.
Ngồi tâm sự với bà gần hết buổi sáng, dù vừa trò chuyện vừa bán hàng cho khách, nhưng bà luôn tỏ thái độ chân tình và cởi mở. Biết tôi là nhà báo bà bảo: “Cậu viết thì cứ viết thôi nhưng có sao thì nói vậỵ. Chứ tôi già rồi chả còn sống được bao nhiêu, chẳng cần phải tô vẽ thêm thắt gì đâu”. Hỏi bà, sao nhiều tuổi rồi, kinh tế khá giả, con cái cũng trưởng thành thành đạt rồi mà bà không nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, bà chỉ mỉm cười: “Cậu hiểu cho, tôi không làm là không chịu được. Ngồi không buồn và ngứa ngáy chân tay lắm. Tôi sẽ làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi”.
Thật khó có thể hình dung, một người phụ nữ gầy gò nhỏ nhắn mà nghị lực lại phi thường đến vậy. Nghe chuyện bà Năm, chợt nghĩ, chính thời thơ ấu gian truân vất vả đã dạy cho người phụ nữ này những bài học lớn về cuộc đời, về ứng xử trong thế gian, về làm giàu chân chính. Thực sự với một người có chí, chăm chỉ lao động, thì làm giàu không khó. Từ gánh hàng rong, bà Năm đã có thể trở thành một người giàu có, lo lắng đủ đầy cho các con. Bà xứng đáng được gọi là một doanh nhân, dù bà chẳng mơ hai chữ ấy, và cũng không hề thích khi được gọi như vậy.