Mẫu xe đện mới sẽ cạnh tranh trực tiếp với mẫu xe Wuling Mini EV.
“Ngựa con” khai mở kỷ nguyên xe điện cho Bestune
Xe điện nhỏ gọn FAW Bestune Pony đã chính thức ra mắt thị trường. Pony (Ngựa con) là chiếc xe chạy điện đầu tiên dưới thương hiệu FAW Bestune. Mẫu xe đện mới của FAW cạnh tranh trực tiếp với mẫu xe Wuling Mini EV của Wuling Motor .
Sự kiện ra mắt diễn ra vào tối ngày 28/5 tại thành phố Hạ Môn. Xe có hai phiên bản với quãng đường di chuyển lần lượt là 122km và 170km cho một lần sạc đầy. Giá bán dao động từ 26.900 – 31.900 nhân dân tệ (tương đương 90 – 107 triệu đồng).
FAW Bestune Pony
Sở hữu thiết kế 3 cửa, 4 chỗ ngồi, Pony mang đậm phong cách của mẫu xe điện cỡ nhỏ giống với Wuling Mini EV. Xe có kích thước chiều dài x rộng x cao lần lượt là 3.000 x 1.510 x 1.630 mm, chiều dài cơ sở 1.953 mm.
FAW Bestune Pony
Xe được trang bị động cơ điện công suất 20 kW, mô-men xoắn cực đại 85 Nm. Nội thất bên trong xe khá đơn giản với màn hình hiển thị kỹ thuật số 7 inch. Điểm đặc biệt là xe không có bảng điều khiển trung tâm, cần số được chuyển thành núm xoay đặt trên bảng táp-lô.
FAW Bestune Pony
Theo kế hoạch, Bestune sẽ ra mắt 7 mẫu xe năng lượng mới trong vòng 3 năm tới. Pony được xem là “phát súng” đầu tiên, mở đường cho chuỗi sản phẩm mới này. Ngoài ra, Bestune cũng tuyên bố sẽ không phát triển thêm các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu, thay vào đó sẽ tập trung nâng cấp và thay thế các mẫu xe hiện có. Mục tiêu của FAW là đạt doanh số 1 triệu xe hơi mang thương hiệu riêng vào năm 2028.
FAW Bestune Pony
Được biết đến là thương hiệu chủ lực của FAW, Bestune đã trải qua một giai đoạn dài gặp khó khăn về doanh số. Trong năm 2023, doanh số của Bestune chỉ đạt 120.666 xe, thấp hơn nhiều so với con số 370.000 xe của thương hiệu “anh em” Hongqi. Trong khi đó, khoảng 10 năm trước, Bestune từng dễ dàng vượt mặt Hongqi về doanh số.
Sau thời gian dài ảm đạm, thương hiệu Bestune của FAW Group đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặt cược vào phân khúc xe điện với Pony. Nhưng việc Pony có giúp Bestune lật ngược thế cờ và giành lại vị thế đã mất hay không, câu trả lời vẫn còn là một ẩn số.
Dấu chấm hết cho phân khúc xe điện siêu nhỏ?
Sự xuất hiện của Pony khiến nhiều người nhớ lại “cơn sốt” xe điện cỡ siêu nhỏ từng làm mưa làm gió thị trường cách đây 4 năm.
Wuling Mini EV, “ông vua” phân khúc này từng lập kỷ lục doanh số ấn tượng với 55.000 xe trong lần ra mắt đầu tiên. Thành tích này khiến các nhà sản xuất Nhật Bản vốn nổi tiếng với dòng xe Kei-car cũng phải “ngả mũ”.
Wuling Mini EV
Tờ Nikkei (Nhật Bản) đã có bài viết phân tích về hiện tượng này. Sau khi “mổ xẻ” chiếc Mini EV có giá khởi điểm chỉ 28.800 nhân dân tệ (khoảng 97 triệu đồng), các chuyên gia Nhật Bản ước tính chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 27.000 nhân dân tệ.
Thậm chí một số công ty chứng khoán Trung Quốc còn tính toán rằng lợi nhuận thu về từ mỗi chiếc Mini EV bản tiêu chuẩn chỉ vỏn vẹn… 89 nhân dân tệ (khoảng 300.000 đồng).
Bốn năm sau “cơn sốt” Mini EV, thị trường xe điện cỡ siêu nhỏ tại Trung Quốc đã trở nên chật chội hơn với sự góp mặt của nhiều thương hiệu.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, thị phần xe điện cỡ siêu nhỏ đã có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, từ mức 22,5% năm 2019, thị phần phân khúc này tăng lên 26,7% (năm 2020), 37,4% (năm 2021) và giảm xuống còn 25,7% vào năm 2022. Sang năm 2023, con số này tiếp tục giảm xuống dưới 20%. Sự thay đổi trong bức tranh thị phần cho thấy người tiêu dùng có thể đang dịch chuyển sang những dòng xe điện có kích thước lớn hơn. Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho phân khúc xe điện tí hon?
Tuy vậy, đánh giá của Carnewschina cho thấy câu trả lời có thể là “chưa”. Xe điện cỡ nhỏ vẫn có chỗ đứng riêng trên thị trường nhờ giá thành phải chăng. Bên cạnh đó, xe có thiết kế nhỏ gọn rất phù hợp với giao thông đô thị đông đúc. Tuy nhiên, các hãng xe sẽ cần phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.