Nếu không đóng phạt nguội khi vi phạm giao thông thì lỗi vi phạm sau 1 năm sẽ được tự động gỡ bỏ là một hiểu lầm phổ biến của nhiều người dân. Theo quy định pháp luật, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm hành chính (trong đó có vi phạm giao thông), cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lãi 0,05% trên tổng số tiền phạt.
Người vi phạm giao thông chậm nộp phạt nguội sẽ bị tính lãi theo số ngày chậm nộp. Ảnh minh họa từ IT
Người vi phạm giao thông không đóng phạt nguội có được không?
Hiện nay, nhiều người vi phạm giao thông thường nhầm lẫn khi cho rằng, nếu không đóng phạt nguội khi vi phạm giao thông thì lỗi vi phạm sau 1 năm sẽ được tự động gỡ bỏ.
Đây là một dạng hiểu lầm phổ biến của người dân đối với quy định pháp luật về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt đối với phạt nguội khi vi phạm giao thông.
Khoản 1, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa.
Tuy nhiên, nếu người vi phạm trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt thì cho dù sau bao nhiêu năm đi chăng nữa, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vẫn là 1 năm kể từ ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn chứ không phải từ ngày ra quyết định. Vì vậy, khi bị ra quyết định phạt nguội, người vi phạm phải chủ động thực hiện việc nộp phạt giao thông.
Chậm nộp phạt nguội sẽ bị tính lãi
Theo khoản 1, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít trường hợp người vi phạm giao thông sau khi nhận biên bản phạt nguội lại quên dẫn đến việc nộp phạt trễ thời hạn hoặc không nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Với những trường hợp này, theo khoản 1, Điều 5 Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định: Nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.
Cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt được quy định như sau:
– Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
– Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định của Luật Bưu chính năm 2010.
– Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày.
– Đối với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.
– Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt số tiền chậm nộp tính đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền.
Ngoài ra, Thông tư số 18/2023/TT-BTC cũng bổ sung trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính đó là:
– Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
– Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.