Người đi xe máy sai luật, tài xế ô tô có phải bồi thường nếu xảy ra tai nạn hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm và dưới đây là thông tin trả lời.
Thông thường, khi nhắc đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên phải xét đến 04 điều kiện sau:
– Có thiệt hại xảy ra;
– Hành vi thiệt hại là hành vi trái pháp luật;
– Có lỗi của người gây thiệt hại;
– Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp xảy ra tai nạn mà lỗi hoàn toàn thuộc về bên thiệt hại thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường
Theo những quy định này, khi tai nạn xảy ra mà lỗi hoàn toàn do bên bị thiệt hại (nạn nhân) thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng quy định trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, Điều 601 Bộ luật Dân sự quy định như sau:
– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra…
– Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
+ hiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nguồn nguy hiểm cao độ mà Bộ luật dân sự quy định bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Như vậy, trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới (ô tô; máy kéo; rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô; xe máy 02 bánh; xe máy 03 bánh; xe gắn máy…) không có lỗi nhưng vẫn phải bồi thường khi xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết, tai nạn hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại).