Kết luận thanh tra xăng dầu công bố ngày 4/1 chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công thương khi để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Tính giá cơ sở không sát với thị trường
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường.
Bộ này quyết định mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính vào giá cơ sở thiếu cơ sở pháp luật; áp dụng định mức về chi phí từ năm 2014, hiện không còn phù hợp với thị trường; chi phí Premium đưa vào giá cơ sở lớn hơn chi phí thực tế tại một số thương nhân đầu mối.
Bộ Công thương đã căn cứ các thành phần đó để tính giá cơ sở xăng dầu. Dẫn đến không tính đúng, tính đủ theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác, gồm chi phí thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, Premium.
Giá xăng dầu tính chưa đúng, chưa đủ.
Do không theo kịp biến động của thị trường nên khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu giảm, đặc biệt hạn mức nhập khẩu xăng bằng 0.
Trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung xăng dầu đầu năm 2022, Bộ Công thương đã giao sản lượng nhập khẩu tăng thêm trong quý II cho 10 thương nhân đầu mối, nhưng hầu hết các thương nhân đều không đáp ứng được tiến độ, khối lượng nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức được giao (xăng thiếu 589.035/794.418m3, dầu thiếu 628.637/1.248.966m3).
Nguyên nhân nhập thiếu được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là do giá cơ sở xăng dầu thấp, nhập khẩu về bán lỗ. Cũng vì lỗ nên các thương nhân đầu mối giảm mức chiết khấu cho đại lý, dẫn đến tình trạng chiết không bằng không, nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu tự ý không bán hàng… làm gián đoạn nguồn cung ứng xăng dầu.Điều hành không công bằng, hiệu quả
Nêu trách nhiệm về việc nhập khẩu xăng dầu không đầy đủ, Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Công thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, bộ này không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.
Nhiều thương nhân không nhập khẩu xăng dầu, không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định nhưng đều được Bộ Công thương chấp thuận.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng xác định các thương nhân đầu mối có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công thương dẫn đến một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại. Do đó, nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết. Chẳng hạn việc giao 10 đầu mối phải nhập khẩu sản lượng tăng thêm, trong khi có tất cả 32 thương nhân đầu mối nhập khẩu.
“Qua đó cho thấy trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ nhận định, Bộ Công thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời, dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.