Nhiều người về hưu vẫn làm thêm một số công việc như taxi, xe ôm công nghệ. Người này có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?
Xe ôm công nghệ là đối tượng có phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Ảnh: Huân Cao
Ông Nguyễn Văn Kiên ở Hà Nội hỏi: Trước đây, tôi làm lái xe cho một cơ quan nhà nước. Tôi về hưu được 2 năm nay. Ở nhà buồn chán, tôi có đăng ký làm thêm taxi công nghệ và xe ôm công nghệ. Vậy tôi có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh hoa Việt cho biết, Điểm K Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định tiền lương hưu do Quỹ BHXH trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014; tiền lương hưu nhận được hằng tháng từ quỹ hưu trí tự nguyện.
Theo đó, khi lao động đã về hưu và đang nhận tiền hưu trí thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với loại tiền lương này.
Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC) thì lao động về hưu vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi có phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như:
Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.
Qua đó, có thể thấy tiền lương, tiền công thu nhập nhận được từ việc làm sau khi về hưu mà không phải lương hưu thì người lao động vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi có phát sinh.