Vừa ra khỏi nhà xe TCP sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), hành khách bối rối khi bị nhiều người mặc áo xe ôm công nghệ chèo kéo đi xe. Tuy nhiên, mức giá họ đưa ra gấp nhiều lần so với thông thường.
“Về đâu em, anh lấy rẻ cho, giá chỉ ngang app thôi”, một tài xế mặc áo xe ôm công nghệ đon đả khi chúng tôi vừa mang balo bước ra khỏi lối ra trước nhà giữ xe TCP (thuộc Công ty Cổ phần đầu tư TCP), đơn vị khai thác nhà xe trong sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) chiều 10/1. Từ chối người này lại có 2 đến 3 người khác tiếp cận liên tục chào mời chúng tôi.
Những ngày cuối năm, sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình nhộn nhịp hơn hẳn. Nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao, trong đó có xe ôm công nghệ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, có nhiều tài xế mặc áo, đội nón mang thương hiệu các hãng xe công nghệ đứng chờ chực trước lối ra vào nhà giữ xe sân bay, đợi khách đi ra để mời chào.
Báo giá không cần app
Ngày 10/1, trong vai khách du lịch, vừa bước ra khỏi lối ra sân bay, phóng viên bắt gặp hàng loạt người mặc đồng phục các hãng xe ôm công nghệ liên tục chào mời: “Về đâu em, anh lấy giá rẻ cho, lên xe anh chở cho nhanh nè…”.
Khi phóng viên nói về Trung tâm thương mại Gigamall (đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ điều khiển xe máy biển số 49H1-094.xx báo giá 100.000 đồng. Khác với tài xế công nghệ thông thường, người này báo giá mà không cần sử dụng app (ứng dụng của tài xế hãng xe).
Thấy phóng viên phàn nàn giá xe quá đắt trong khi quãng đường di chuyển không quá xa, người đàn ông cùng nhiều người mặc áo hãng xe công nghệ gần đó đồng loạt phân bua “100.000 đồng mà đắt gì em, giá vậy là đúng rồi vì nơi em đi về tận TP Thủ Đức lận mà”.
Thắc mắc về giá trên ứng dụng của hãng xe, chúng tôi yêu cầu nam tài xế bật app để kiểm tra. Mất một lúc lâu, bằng “thủ thuật” nào đó, người này cho phóng viên xem giá cuốc xe là 119.000 đồng. Tuy nhiên để ý kỹ hơn, ứng dụng mà người đàn ông cho chúng tôi xem là công cụ đặt xe dành riêng cho khách, không phải là ứng dụng cho tài xế hãng xe.
Tự kiểm tra, chúng tôi thấy thời điểm này, giá cuốc xe thực tế từ sân bay đến trung tâm thương mại nói trên theo ứng dụng của hãng xe này hiển thị quãng đường chỉ hơn 6km với giá 41.000 đồng.
Lúc này, người đàn ông cầm lấy điện thoại phóng viên, giải thích ứng dụng mà chúng tôi đặt xe đang có nhiều khuyến mãi nên mới có giá đó. Sau đó, nam tài xế thực hiện ghi thêm điểm đón trên ứng dụng đón xe của hãng khiến giá chuyến xe tăng lên.
Giá thực tế thời điểm phóng viên đặt xe từ sân bay đến Trung tâm thương mại Gigamall trên ứng dụng của 2 hãng xe ôm công nghệ giá chỉ từ 37.000 đồng đến 41.000 đồng (Ảnh: Chụp màn hình).
Hành khách rơi vào “ma trận”
Phía gần lối ra bãi xe, tiếng loa vang lên liên tục: “Cảnh báo, hành khách cần cảnh giác, khu vực này thường xuyên có đối tượng xe ôm, xe dù, Grab giả, chèo kéo khách và nâng cao giá cước, lừa gạt khách hàng. Hành khách cần chú ý không sử dụng dịch vụ của đối tượng này. Nghiêm cấm hành vi đón khách sai quy định tại khu vực này…”.
Bên này, nhiều tài xế công nghệ “dỏm” vẫn bất chấp đậu đỗ, chèo kéo hành khách mặc cho sự có mặt của lực lượng thanh niên xung phong.
Tiếp tục di chuyển ra bên ngoài gần đường Trường Sơn, những người mặc trang phục xe ôm công nghệ tiếp tục chèo kéo khách hàng. Một số người thậm chí chạy theo nài nỉ, tung chiêu giảm giá.
Thấy chúng tôi vừa đi ra, nhiều tài xế bên ngoài tiếp tục chèo kéo, một người đàn ông mặc áo một hãng xe ôm công nghệ khác nhanh chóng tiếp cận ngỏ ý chở cùng lúc 2 người đến địa điểm nói trên với giá 150.000 đồng. “Lên xe anh chở 2 người luôn cho, anh đi công chuyện, chứ đi taxi giá 250.000 đồng lận. Anh không sợ công an, có sao anh chịu”.
Khi bị chúng tôi từ chối, người này tiếp tục đuổi theo, hạ giá còn 120.000 đồng.
Một vị khách ngoài 50 tuổi vừa xuống chuyến bay tay xách, nách mang, khệ nệ kéo vali đi ra liền vấp phải hàng loạt lời chào mời của các tài xế công nghệ “dỏm”, tuy nhiên vì những người này hét giá quá cao, người đàn ông đành đi ra ngoài ngồi gọi, đợi người nhà tới đón.
“Nhà tôi cũng gần đây, vì không rành đặt xe nên hay bắt xe ôm truyền thống. Những người này mặc áo xe ôm công nghệ mà hét giá gấp nhiều lần so với xe ôm truyền thống thì ai mà đi”, người đàn ông ngán ngẩm thở dài.
Nhiều người mặc áo xe ôm công nghệ chạy không cần app, đứng chèo kéo khách trước lối ra nhà xe trong sân bay (Ảnh: Hoàng Hướng).
Quay lại sân bay vào ngày 11/1, vừa đi từ bãi giữ xe xuống phóng viên bắt gặp một nhóm người mặc áo một hãng xe ôm công nghệ khác có điểm đặt xe ngay dưới hầm nhà xe lối ra sân bay.
Tài xế hãng xe này hỏi phóng viên đi đâu và giới thiệu đến điểm đặt vé để nhân viên tư vấn báo giá. Thay đổi địa điểm từ sân bay đến Aeon Mall Tân Phú, phóng viên được nữ nhân viên hãng xe báo giá 120.000 đồng với quãng đường hơn 9km.
Khi phóng viên từ chối, nam tài xế đứng cạnh quầy vé liền giảm giá xuống 20.000 đồng, không cần theo giá tiền tư vấn viên vừa báo giá. “Không có đắt đâu em, ở đây tụi anh bao các loại phí rồi”, người đàn ông nói.
Tiếp tục từ chối và rời đi, liên tục các tài xế của hãng xe này tiếp cận phóng viên chèo kéo, giảm giá từ 120.000 đồng xuống 90.000 đồng rồi 80.000 đồng.
Dù có biển cấm, lực lượng thanh niên xung phong thường xuyên túc trực, nhắc nhở nhưng tình trạng đậu đỗ, đón khách thường xuyên xảy ra (Ảnh: Hoàng Hướng).
Dịp Tết Dương lịch 2024, khi nhóm phóng viên một số báo ở TPHCM đeo máy ảnh đang đứng chờ xe tại khu vực chờ xe ôm nói trên, một người lái xe máy mặc áo của hãng xe ôm công nghệ đã “chỉ điểm” với lực lượng thanh niên xung phong quản lý (thuộc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích).
“Tụi nó đến ghi hình phản ánh bậy bạ kìa. Các anh ra bắt đi”, người mặc áo xe ôm công nghệ nói.
Nghe lời người đó, nhân viên quản lý khu vực chờ xe ôm trước nhà xe TCP đã ra nói chuyện với phóng viên, tuy nhiên, do nhóm phóng viên không tác nghiệp tại đây nên nhân viên nhà xe không thể cấm hoặc đuổi.
Trao đổi thêm với một số tài xế xe ôm công nghệ chính hãng (phóng viên đặt qua ứng dụng), họ nói: “Mấy người chỉ điểm bạn lúc nãy, đều là giả, không chạy theo app. Mấy cha đó sợ bị đưa lên báo nên cứ thấy máy ảnh là sợ, luôn tìm cách né tránh và đặt điều để đuổi mấy bạn đi. Có khi còn quen biết chung chi với nhau để hoạt động”, tài xế này phản ánh.
Quan sát của phóng viên, khu vực trước nhà giữ xe này có biển báo cấm dừng, cấm đỗ, cấm xe ôm, hàng rong, có loa thông báo liên tục nhắc nhở tình trạng giả xe ôm công nghệ chèo kéo khách, đồng thời có sự túc trực của lực lượng thanh niên xung phong, tuy nhiên tình trạng đậu đỗ, giả mạo xe ôm công nghệ vẫn ngang nhiên diễn ra.