Hiện nay theo Luật giao thông đường bộ hiện hành, người tham gia giao thông không được quyền “kẹp 3” trừ một trong 03 trường hợp được quy định tại Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên mới đây, Bộ Công an đang lấy ý kiến đề xuất trường hợp xe máy được kẹp 3 từ 01/7/2024 sắp tới.
1. Đề xuất trường hợp xe máy được kẹp 3 từ 01/7/2024
Đề xuất trường hợp xe máy được kẹp 3 mà không bị phạt từ 01/7/2024 (Ảnh minh họa)Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khoản 1 Điều 33 đã bổ sung thêm 01 trường hợp khi chở người già yếu, người khuyết tật sẽ được “kẹp 3” khi tham gia giao thông mà không bị xử phạt. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất giảm độ tuổi trẻ được ngồi trên xe “kẹp 3” từ 14 tuổi xuống còn 12 tuổi từ 01/7/2024 tới đây.
Theo đó, nếu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua, sẽ có 04 trường hợp xe máy được kẹp 3 (tức là chở tối đa 02 người) bao gồm:
– Chở người bệnh đi cấp cứu.
– Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
– Trẻ dưới 12 tuổi.
– Người già yếu hoặc khuyết tật.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được phép chở tối đa một người, trừ 03 trường hợp sau được chở tối đa 02 người gồm:
– Chở người bệnh đi cấp cứu.
– Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
– Trẻ dưới 14 tuổi.
Như vậy, nếu đề xuất trên được thông qua thì hành vi chở ba người mà trong đó có một người là người già yếu hoặc người khuyết tật thì sẽ không bị xử phạt hành chính về lỗi điều khiển xe máy chở quá số người theo quy định.
Ngoài ra, người dân khi chở trẻ em đi “kẹp 3” cũng cần lưu ý về độ tuổi bởi tới đây, độ tuổi đề xuất sẽ giảm xuống dưới 12 tuổi (không phải dưới 14 tuổi như quy định hiện hành).
2. Hành vi không được thực hiện khi đi xe mô tô, gắn máy từ 01/7/2024 (đề xuất)
Tới đây, nếu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua, người lái xe mô tô hai bánh, 03 bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau:
– Đi xe dàn hàng ngang.
– Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và các loại phương tiện khác.
– Sử dụng ô, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).
– Đi buông cả 02 tay hoặc đi một bánh với xe hai bánh và 02 bánh với xe ba bánh (hay còn gọi là “bốc đầu” xe hai bánh, xe ba bánh)
– Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác.
– Dẫn dắt vật nuôi.
– Mang, vác, chở vật cồng kềnh; xếp khối lượng hàng hóa quá khối lượng quy định; chở người đứng trên xe, ngồi trên tay lái hoặc đứng trên giá đèo hàng.
– Ngồi lệch một bên, đứng hoặc nằm khi điều khiển xe; xe đang chạy thì thay người lái xe; quay người về phía sau để điều kiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe chạy.
– Gây rối, mất trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, dự kiến dự thảo Luật sẽ bổ sung các hành vi xe máy không được thực hiện so với Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 gồm:
– Chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá khối lượng hoặc giới hạn theo quy định;
– Ngồi lệch sang một bên, đứng hoặc nằm khi điều khiển xe; xe đang chạy thì thay người lái xe; quay người về phía sau để điều kiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe chạy.Chạy xe máy “kẹp 3”, phạt bao nhiêu? (Ảnh minh họa)
3. Chạy xe máy “kẹp 3”, phạt bao nhiêu?
Theo quy định tại điểm l khoản 2; điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe máy chở quá số người quy định được quy định như sau:
(1) Hành vi chở theo 02 người trên xe (kẹp 3): phạt 300 – 400 nghìn đồng (nếu chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ dưới 14 tuổi hoặc áp giải người vi phạm pháp luật thì không bị xử phạt).
(2) Hành vi chở theo từ 03 người trở lên trên xe (kẹp 4, kẹp 5…): phạt 400 – 600 nghìn đồng.
Mức phạt bổ sung: Trường hợp gây tai nạn giao thông ngoài bị phạt tiền còn bị tước Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).