Bảo Việt và PVI là hai hãng bảo hiểm đầu tiên có định lượng rõ ràng về nồng độ cồn của người lái xe trong bộ quy tắc bảo hiểm mới.
Nồng độ cồn mức nào sẽ bị Bảo Việt, PVI loại trừ bảo hiểm?
Ngày 27/12/2023, Tổng công ty bảo hiểm PVI ban hành bộ quy tắc mới về bảo hiểm tự nguyện đối với xe ô tô.
Một trong các điểm mới rất đáng chú ý về loại trừ bảo hiểm (khoản 4, điều 11) PVI loại trừ bảo hiểm khi: “Tại thời điểm xảy ra tổn thất khi xe đang hoạt động, lái xe điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở (tương đương 10.9mmol/L); hoặc sử dụng các chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật”.
So với bộ quy tắc cũ, bộ quy tắc mới (bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới) của PVI không còn chung chung mà cụ thể hóa ngưỡng nồng độ cồn, theo đó người lái xe có nồng độ cồn quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở (tương đương 10.9mmol/L) sẽ bị loại trừ bảo hiểm.
Trích điều khoản loại trừ bảo hiểm (ô vuông khoanh đỏ) về nồng độ cồn chế tài của hai hãng bảo hiểm đang áp dụng, chứng tỏ sự khác biệt về cách hiểu và áp dụng ngưỡng nồng độ cồn của lái xe.
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), sau Bảo Việt đến lượt PVI là hãng bảo hiểm thứ hai trong số hơn 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã loại bỏ số “0” tuyệt đối về nồng độ cồn khi xem xét loại trừ trách nhiệm.
Ông Xuân nêu quan điểm, việc định lượng nồng độ cồn của lái xe như PVI vừa mới áp dụng đầu năm 2024 là rất rõ ràng; các hãng bảo hiểm khác nếu vận dụng tương tự chắc chắn sẽ bớt các vụ khiếu nại bảo hiểm, thậm chí tránh được bị khởi kiện liên quan đến nồng độ cồn tự nhiên.
“Tôi cho rằng cách định lượng này giúp gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Bảo Việt, PVI so với các hãng khác”, ông Xuân nhận định.
Về căn cứ pháp luật, nghị định 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc (hiệu lực từ ngày 6/9/2023) bổ sung quy định mới về loại trừ bảo hiểm trong trường hợp người lái xe có nồng độ cồn, quy định nêu: “Loại trừ bảo hiểm do thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật”.
Ngưỡng nồng độ cồn dựa trên cơ sở khoa học nào?
Căn cứ pháp lý của “ngưỡng bình thường không uống rượu, bia” được tòa án dẫn chiếu là Quyết định số 320 của Bộ Y tế, theo đó nồng độ cồn sinh lý của người bình thường không uống rượu bia là dưới 10,9mmol/L.
Con số này (10,9mmol/L) dùng phép đo tương tương hoặc quy đổi ra các đại lượng khác, sẽ là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Nhiều vụ kiện bồi thường bảo hiểm, tòa án tuyên phía lái xe thắng kiện, giải nỗi oan do nồng độ cồn sinh lý trong cơ thể. Ảnh: Lam Anh
Trong loạt vụ kiện bảo hiểm về nỗi oan do cồn sinh lý trong cơ thể, căn cứ quan trọng được tòa án xem xét là kết quả xét nghiệm máu của người lái xe tại bệnh viện.
Trong các phiếu xét nghiệm, bệnh viện đều dùng ngưỡng chỉ số chung là dưới 10,9mmol/l (tương đương với 50mg/100 mililít máu), khi máy xét nghiệm in ra có ký hiệu NEG (negative – âm tính) kèm kết quả xét nghiệm nồng độ cồn, tức là trị số bình thường của người không uống rượu bia.
Theo một bác sỹ xét nghiệm, có một loại cồn gọi là cồn sinh hóa trong cơ thể do sử dụng một số loại thực phẩm lên men hoặc do một số bộ phận trong cơ thể người tiết ra chất cồn, nhưng vẫn nằm trong trị số bình thường.
Như vậy, việc loại bỏ số “0” tuyệt đối về nồng độ cồn của bảo hiểm bắt buộc đã có tác dụng lan tỏa sang bảo hiểm tự nguyện, khiến hãng bảo hiểm phải điều chỉnh quy tắc cho phù hợp thực tiễn.