Theo quy định có 8 trường hợp xe máy dưới đây bị thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe càng cố tình giữ lại càng bị phạt nặng.
8 trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký xe
Cụ thể, những trường hợp sẽ phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số theo đúng quy định bao gồm:
– Những trường hợp mà xe máy bị hỏng không sử dụng được, bị phá hủy do nguyên nhân khách quan.
– Những trường hợp xe máy đã hết niên hạn sử dụng, không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
– Những trường hợp xe máy là xe bị mất cắp, bị chiếm đoạt không tìm được hoặc xe thải bỏ, chủ xe đề nghị thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
– Những trường hợp xe máy là loại xe nhập khẩu miễn thuế hoặc xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất, chuyển quyền sở hữu hoặc tiêu hủy.
– Những trường hợp xe máy là loại xe đăng ký tại các khu kinh tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam.
– Những trường hợp xe máy là xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển.
– Những trường hợp xe máy đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền số máy, số khung bị cắt, hàn, đục lại, tẩy xóa hoặc cấp biển số không đúng quy định.
Trong những trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số sau khi áp dụng biển số định danh thì việc chuyển nhượng, sang tên, đổi chủ được thực hiện nhiều nhất. Quy định mới cũng khiến người dân gặp khúc mắc, mất thời gian hơn khi sang tên đổi chủ.
Không thực hiện thu hồi xe, giấy đăng ký theo quy định bị xử phạt thế nào?
Đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức.
– Đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe; biển số xe theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.