Đây không chỉ là một cầu nối giúp giao thông thuận lợi hơn mà nó còn là niềm tự hào, gắn liền với bao nhiêu câu chuyện của người dân.
Người ta thường nói, đằng sau bất kì một thành phố kinh tế phát triển hay có bề dày lịch sử đều có một dòng sông chảy qua. Nếu người Pháp tự hào về sông Seine lãng mạn của Paris, người Anh với sông Thames chảy lững lờ qua London hay người dân St Petersburg (Nga) có dòng Neva tuyệt đẹp… thì với Việt Nam, đặc biệt là người dân Đà Nẵng cũng tự hào với Hàn giang không kém.
Sông Hàn là một trong những niềm tự hào của người dân Đà Nẵng
Sông Hàn bắt đầu từ ngã ba sông giữa các quận: Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn. Dòng sông là hợp lưu giữa hai con sông Cẩm Lệ và sông Cổ Mân, chảy theo hướng bắc rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Sông có dòng chảy từ nam lên bắc với chiều dài gần 8km, chiều rộng khoảng 400-700m, độ sâu trung bình 7-10m.
Sông Hàn là một trường hợp khá đặc biệt, lấy tên nơi sông đổ ra cửa biển để làm thành tên sông. Mà cửa biển ấy – cửa biển Đà Nẵng có tên là Hàn môn, tên chữ Hán được ghi trên “Bản đồ Hồng Đức”, do đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21, 1490) cho vẽ lại bản đồ của cả 13 xứ Thừa Tuyên, trên đầu bản đồ có ghi rõ “Thuận Hóa Thừa Tuyên Sơn Xuyên Hình Thế Chi Đồ” (nghĩa là: bản đồ hình thế sông núi của Thừa Tuyên Thuận Hóa). Hai chữ Hàn môn 瀚門 có nghĩa: môn là cửa; Hàn – viết với bộ thủy – là rộng lớn, bao la; ý để chỉ cửa biển Đà Nẵng rộng lớn. Và vì thế, dòng sông đổ ra cửa Hàn, được gọi là sông Hàn (chữ Nôm viết là 滝瀚 mà chữ Hán viết là Hàn giang 瀚江).
Khu vực đôi bờ sông Hàn như “trái tim” của thành phố
Dòng sông này vừa mang lại giá trị về nguồn lợi kinh tế, lại vừa sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Sông Hàn mang nguồn nước ngọt của nhiều dòng sông nhỏ khác như sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò và nguồn nước mặn của cửa biển, hòa vào nhau tạo thành dòng nước lợ, có độ mặn biến động theo mùa mưa nắng khác nhau.
Trên sông hiện có 6 cây cầu bắc qua gồm cầu Liên Chiểu – Thuận Phước, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Tuyên Sơn, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Những cây cầu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc của thành phố với những nét độc đáo hiếm nơi nào ở nước ta có được.
Vẻ đẹp của cầu sông Hàn khi về đêm
Nói đến sông Hàn thì yếu tố cảnh quan môi trường có lẽ còn quan trọng hơn cả. Sông Hàn không đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không dịu dàng trữ tình như sông Hương, không cuồn cuộn bao yếu tố nhân sinh và dữ dội như sông Cửu Long. Sông Hàn xinh đẹp và giàu sức sống, giữ vai trò quan trọng về mặt cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững của môi trường, góp phần quan trọng vào sự phát triển không ngừng của TP Đà Nẵng năng động và đáng sống.
Ngày nay, Đà Nẵng đã là một đô thị hiện đại với trung tâm được mở rộng từ bờ đông sang bờ tây sông Hàn. Với bề dày lịch sử và những giá trị bất biến, nên dù ở thời nào đi chăng nữa, dọc hai bên bờ sông Hàn vẫn là khu vực “trái tim” của thành phố này.
Dòng sông như một chứng nhân lịch sử, là yếu tố kích cầu cho sự phát triển của Đà Nẵng
Sông Hàn bởi thế chẳng những được ví như dải lụa xanh biếc giữa lòng Đà Nẵng, mà còn là chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm và từng bước đi phát triển của thành phố. Một sông Hàn thơ mộng và giàu sức sống, góp phần quan trọng vào sự phát triển không ngừng của Đà Nẵng năng động và đáng sống. Đó cũng là nơi thường xuyên diễn ra các kiện quan trọng của Đà thành, điển hình như Lễ hội pháo hoa quốc tế – DIFF, cũng như luôn là tâm điểm hút khách du lịch.
Khu vực đôi bờ sông Hàn có ý nghĩa, giá trị lớn đối với diện mạo đô thị Đà Nẵng và thành phố này cũng được xướng danh: thành phố sông Hàn. Trong năm 2023, chính quyền thành phố quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào việc phát triển “Dòng sông ánh sáng” – đồ án chiếu sáng mỹ thuật theo chủ đề, kết hợp các hoạt động lễ hội, văn hóa tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Sông Hàn rực rỡ trong lễ hội pháo hoa DIFF. Ảnh: Đức Hoàng/Báo Tổ quốc
Dự kiến, “Dòng sông ánh sáng” gồm 5 dự án thành phần: đầu tư hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi; nâng cấp hệ thống chiếu sáng cầu sông Hàn; nâng cấp chiếu sáng 3 cầu: cầu Thuận Phước, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý; chiếu sáng vệt cảnh quan ven bờ sông Hàn; chiếu sáng khu vực công viên và cảnh quan cây xanh. Trong đó, tâm điểm lan tỏa trục ánh sáng mỹ thuật dọc dài trên toàn tuyến sông Hàn chính là cầu Nguyễn Văn Trỗi.