Kỷ nguyên giao thông xanh không chỉ được thể hiện qua sự bùng nổ của xe điện. Chính các tập đoàn dầu khí cũng đang tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp EV.
Khi các ông lớn dầu khí tìm cách chiếm miếng bánh trong thị trường năng lượng xanh, người ta hiểu rằng xu hướng điện hóa là không thể đảo ngược. Theo Automotive News, một số gã khổng lồ năng lượng đang tìm cách bổ sung cây sạc xe điện vào các trạm xăng sẵn có.
Trong khi đó, người đứng đầu Saudi Aramco – công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới – cũng vừa gia nhập ban giám đốc của BlackRock, một trong những công ty đi đầu trong việc đầu tư vào quá trình phi carbon.Các quốc gia Trung Đông từ lâu đã nổi tiếng với nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào. Nhưng khu vực này đang tìm cách đầu tư vào một tương lai mới bền vững hơn, và xe điện có thể sẽ định hình tương lai đó.
Các tập đoàn dầu khí cũng nhập cuộc
Theo Reuters, tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhu cầu dầu khí trong năm 2023 được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại vì tỷ lệ chuyển đổi sang xe điện tăng cao.
Năm 2022 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn của ngành xe điện toàn cầu, khi doanh số bán xe điện tăng kỷ lục hơn 14 triệu chiếc so với năm trước đó. Đáng chú ý, xe điện chiếm 14% tổng doanh số ôtô mới vào năm 2022, tăng đáng kể từ mức 9% vào năm 2021, và chỉ 5% năm 2020.
Trung Quốc đóng góp đến 60% vào doanh số xe điện trên toàn cầu. Đất nước 1,4 tỷ dân thậm chí còn vượt mục tiêu doanh số xe điện cho năm 2025, sớm hơn nhiều so với kế hoạch. Trong khi đó, Mỹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý với 55% trong năm 2022, chiếm 8% tổng doanh số bán xe trên cả nước.
Trở lại năm 2016, Energy Post đã đăng tải một bài viết với tiêu đề: “Cảnh báo tới các doanh nghiệp dầu mỏ: làn sóng xe điện sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ dầu”. 7 năm sau đó, những doanh nghiệp xoay xở bằng cách dấn thân và tìm cách kiếm lời từ chính làn sóng này.
Giới phân tích tin rằng mạng lưới sạc điện tại Mỹ sẽ sớm được hợp nhất với hệ thống các trạm xăng. Và chính những tập đoàn sống nhờ nhiên liệu hóa thạch đang muốn giành giật miếng bánh béo bở trong thị trường xe điện.
Bởi những công ty này đã có sẵn hệ thống trạm đổ xăng nằm ở những khu vực đông người qua lại. Việc Shell USA mua 3.000 cây sạc của Volta trên 31 tiểu bang với 169 triệu USD tiền mặt hồi tháng 3 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, quá trình hợp nhất sâu rộng có thể sắp diễn ra.
Gã khổng lồ dầu khí Anh BP cũng đang chi tiêu mạnh tay cho xe điện. Đơn vị kinh doanh mảng sạc EV của BP, BP Pulse, đã bỏ 100 triệu USD mua cây sạc từ Tesla vào tháng 10. Đây là lần đầu tiên trạm sạc cực nhanh của hãng sản xuất ôtô này được dùng để triển khai trên một mạng sạc EV độc lập.
BP Pulse đã lắp đặt hơn 27.000 điểm sạc ở Mỹ và có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào hệ thống sạc xe điện trên toàn quốc vào năm 2030.
Trung Đông chuẩn bị cho kỷ nguyên “hậu dầu mỏ”
Việc các nước Trung Quốc tìm cách đầu tư vào mảng năng lượng xanh là minh chứng rõ ràng hơn, cho thấy kỷ nguyên dầu mỏ sắp sửa đi đến hồi kết. Theo Bloomberg, giới quan sát dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 rồi đi xuống kể từ đó.
Saudi Arabia đang nghiên cứu thương hiệu xe điện của riêng mình, Ceer, và sở hữu khoảng 60% cổ phần tại hãng xe điện hạng sang Lucid Motors. Quỹ đầu tư công của nước này cũng vừa rót thêm 1,8 tỷ USD vào Lucid.
Lĩnh vực xe điện cũng đang bùng nổ ở Israel. Số lượng xe điện được giao trong nửa đầu năm nay đã cao hơn 210% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm nay, tại Bahrain, Gauss Auto – một tập đoàn sản xuất của Mỹ – đã hợp tác với công ty Marson Group của Bahrain để mở một nhà máy sản xuất xe điện.
Các tập đoàn dầu khí cũng đang nhập cuộc. Ảnh: Bloomberg.
UAE cũng bắt tay với Einride, một công ty vận tải đường bộ có trụ sở tại Thụy Điển, chuyên vận chuyển hàng hóa bằng xe tải tự hành chạy điện. Dù vẫn chỉ dừng lại là một biên bản ghi nhớ, đây vẫn đánh dấu việc Einride đặt chân vào Trung Đông với kế hoạch phát triển đội xe tải điện tự hành lớn nhất khu vực. Kế hoạch này dự kiến mất khoảng 5 năm để hoàn thành.