Nhiều học viên và Sở Giao thông Vận tải địa phương đánh giá thi sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng chưa sát thực tế, đánh đố người học.
Từ tháng 6/2022, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ôtô bắt đầu sử dụng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông. Ngoài sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, học viên phải thi phần mềm mô phỏng với 120 tình huống bằng các hình ảnh 3D và video mô phỏng các tuyến đường trong đô thị, ngoài đô thị, đường đèo núi và tình huống giao thông nguy hiểm.
Sau hơn một năm áp dụng, nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng gây nhiều ý kiến trái chiều từ phía học viên, đơn vị sát hạch. Anh Phạm Trung Thành, học viên lái xe, đánh giá phần thi mô phỏng bắt buộc người học xử lý theo ý muốn chủ quan của người viết phần mềm chứ không đo phản xạ của người học.
Các tình huống khác so với thực tế và cách chấm điểm vô lý, để đạt điểm 5 phải phản xạ trong 0,5 giây. “Đó là điều gần như không tưởng với người lái xe ở tốc độ 30-50 km/h. Một số câu như tình huống đá rơi, đến lúc thấy được viên đá thì người thi chỉ còn 1 điểm, thậm chí còn 0 điểm. Trong khi thực tế phải xử lý tình huống tai nạn càng sớm càng tốt”, anh Thành nói.
Tình huống đá rơi trên đường trên phần mềm mô phỏng. Ảnh: Chụp màn hình
Ông Nguyễn Đỗ Nam, một thí sinh sát hạch lái xe ở Hà Nội, cũng cho rằng đa số tình huống mô phỏng vô lý. Một số tình huống học viên bấm trên máy tính quá nhanh sẽ mất luôn 5 điểm, nhất là khi “tảng đá rơi từ vách núi thì phải nhìn thấy được bóng của nó và bấm thì mới được điểm”.
Tình trạng thi trượt nội dung phần mềm mô phỏng lần đầu thường rơi vào nhóm học viên nhiều tuổi. Số lần trượt gia tăng theo độ tuổi của học viên, càng nhiều tuổi thì tỷ lệ thi lại càng cao. “Những người này ít được thao tác trên máy tính, trong khi phần thi mô phỏng không khác gì chơi game”, anh Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết đã có văn bản kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam về bất cập trong các tình huống của phần thi mô phỏng gây khó khăn cho người dự thi sát hạch và đề nghị chỉnh sửa.
Các Sở Giao thông Vận tải Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng mới đây cũng kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét tính thực tế cũng như hiệu quả mang lại và có cần thiết duy trì nội dung phần mềm mô phỏng hay không. Phần mềm chỉ nên đưa vào bài giảng Luật Giao thông đường bộ và kỹ thuật lái xe, không sử dụng làm nội dung sát hạch lái xe.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM nêu phản ánh của các trung tâm sát hạch lái xe, khi thi trên phần mềm mô phỏng, thí sinh bị áp đặt theo ý chí chủ quan của người viết phần mềm, không phù hợp thực tế khi tham gia giao thông.
Trước ý kiến nêu trên, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay đang cùng đơn vị viết phần mềm điều chỉnh một số tình huống phù hợp thực tế. Trên phần mềm mô phỏng, cách chấm điểm cũng được điều chỉnh theo hướng kéo dài thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý.
“Việc chỉnh sửa sẽ dựa trên góp ý của các Sở Giao thông Vận tải, cơ sở đào tạo và người học về phần mềm mô phỏng sát hạch lái xe thời gian qua”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam nói, cho biết sẽ chuyển giao phần mềm mô phỏng chỉnh sửa cho các đơn vị ngay trong tháng 12.
Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng tỷ lệ học viên đạt yêu cầu nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng gần 80% là không phải quá thấp, trong khi tỷ lệ thí sinh đạt yêu cầu bình quân các nội dung sát hạch là hơn 50%. Việc bổ sung đào tạo và sát hạch trên phần mềm mô phỏng giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn. Phần mềm được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các nước như Anh, Australia, Nhật, Singapore…
Quy định sử dụng phần mềm mô phỏng trong sát hạch giấy phép lái xe theo Nghị định số 138/2018 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ôtô, sát hạch lái xe và thông tư về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành, địa phương nhằm bổ sung, sửa đổi thông tư trên.