Chính phủ đề xuất mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm, nếu tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải ‘kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ’.
Ngày 15.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm, đó là quy định về điểm và trừ điểm GPLX.
Chính phủ đề xuất mỗi GPLX có 12 điểm, nếu tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
TUYẾN PHAN
Bị trừ hết điểm sẽ phải “kiểm tra kiến thức pháp luật”
Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất quy định mỗi GPLX sẽ có 12 điểm. Điểm GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.
Mỗi khi có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tài xế sẽ bị trừ điểm GPLX. Mức trừ cụ thể do Chính phủ quy định chi tiết.
Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.
GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn giá trị, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của bộ trưởng Bộ Công an. Nếu kết quả đạt yêu cầu thì GPLX được phục hồi đủ 12 điểm.
Vẫn theo dự thảo, GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX.
Việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX thay vì tước GPLX được đánh giá là mang tính nhân văn hơn
HOÀNG TUÂN
Bị phạt vẫn được lái xe, thay vì “nằm nhà”
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định điểm, trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại, nhằm quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.
Việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX thay vì tước GPLX như hiện nay mang tính nhân văn hơn, vừa quản lý chặt chẽ người được cấp GPLX, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện khi người đó cố gắng, chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cơ quan này dẫn báo cáo của Chính phủ, cho thấy mỗi năm có hơn 500.000 GPLX bị tước quyền sử dụng có thời hạn.
Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.
Hơn thế, việc tước GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ GPLX không đến lấy, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực quản lý, trong khi vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Với quy định về điểm GPLX, nếu GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống.
Theo đề xuất, nếu GPLX vẫn còn điểm, tài xế được tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông
HOÀNG TUÂN
Hành vi nào sẽ bị trừ điểm GPLX?
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết, cơ quan này đã giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi điểm GPLX.
Cùng đó là quy định cụ thể mức trừ điểm với các hành vi vi phạm; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Xác định rõ hành vi vi phạm với tính chất, mức độ nào thì bị trừ, không phải trừ điểm đối với tất cả các hành vi vi phạm.
Đồng thời, ứng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý điểm của GPLX.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh kỳ vọng việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm GPLX góp phần quản lý tốt hơn đối với người được cấp GPLX khi điều khiển phương tiện giao thông.
Với quy định này, cơ quan chức năng sẽ quản lý người lái xe trong quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc tái phạm.
Thông qua đó, người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.