Trong tình huống nguy hiểm, chống đối của người điều khiển phương tiện, xâm phạm sức khoẻ, tài sản, CSGT có quyền rút chìa khóa phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Hỏi:
Vừa qua, khi di chuyển trên tuyến đường ở Hà Nội, tôi phát hiện giữa người điều khiển xe máy và CSGT xảy ra tranh cãi. Sau đó, CSGT đã rút chìa khóa phương tiện và yêu cầu người điều khiển phương tiện vào làm việc. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp nào CSGT được rút chìa khóa phương tiện khi kiểm tra?
Bùi Văn Dũng (Bắc Giang)Ảnh minh họa.
Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời:
Theo Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA, trong quá trình tuần tra, kiểm soát CSGT được phép dừng các phương tiện, kiểm soát người điều khiển, phương tiện, các giấy tờ liên quan tới người điều khiển và phương tiện.
Bên cạnh đó, kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội cũng như các vi phạm khác theo quy định.
Song hành với đó là 9 biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
Do đó, việc tự ý rút chìa khóa xe (nếu có) của người thi hành công vụ là hành vi không phù hợp.
Tuy nhiên, đối với những tình huống nguy hiểm, chống đối của người điều khiển phương tiện, xâm phạm sức khoẻ, tài sản thì CSGT có quyền rút chìa khóa phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm, kiểm soát phương tiện.
Điển hình như CSGT ra tín hiệu dừng xe nhưng người vi phạm nồng độ cồn tỏ thái độ thách thức, cố ý tăng ga nhằm bỏ trốn hay cố tình lao xe vào lực lượng chức năng thì việc rút chìa khóa là cần thiết nhằm thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi của người vi phạm.