Theo tờ Bloomberg (Mỹ), tại những nơi được gọi là nông thôn của Trung Quốc, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô tô điện “thời thượng”.
Kể từ đầu năm 2017, Trung Quốc đã đạt doanh số hơn 18 triệu xe điện, tức là gần một nửa tổng doanh số của thế giới và gấp 4 lần so với Mỹ. Đến năm 2026, dự đoán hơn 50% tổng doanh số bán xe chở khách mới ở Trung Quốc sẽ là xe điện.
Sức mua tăng vọt đã giúp các công ty Trung Quốc xây dựng vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng xe điện trên thế giới, thậm chí vượt qua cả các ông lớn đến từ Mỹ hay Châu Âu. Nhưng việc Trung Quốc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện có những hệ quả vượt xa khỏi phạm vi của ngành công nghiệp ô tô.
Một giáo sư tại Đại học Dayton (Mỹ) cho biết: “Nếu tốc độ tăng trưởng xe điện của Trung Quốc duy trì trong thập kỷ tới, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến mức tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới”.
Là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đương nhiên lượng xe điện ngày càng tăng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu từ dầu mỏ. Nếu xe điện thực sự trở nên phổ biến, có khả năng hoạt động trong mọi lĩnh vực vận tải, trở thành lựa chọn của mọi người ở mọi tầng lớp xã hội thì sớm thôi, xăng dầu sẽ bị đẩy đến bờ vực “tuyệt chủng” ở đất nước tỉ dân này.
Tới nay, Trung Quốc đã có khoảng 2,5 triệu trạm sạc công cộng, nhiều nhất trên thế giới. Ở đây cũng có nguồn điện rẻ nhất thế giới nhờ sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo và nguồn than giá rẻ, nhờ đó mà chuyển đổi từ dùng xăng sang điện đang giúp tiết kiệm khoảng 70-80% chi phí nhiên liệu, chưa kể giá bán ban đầu của xe điện đã giảm xuống khá nhiều.
“Tôi sẽ không bao giờ quay lại dùng xe xăng, xe điện rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí…” – Một người dân Trung Quốc sử dụng xe điện làm phương tiện vận chuyển thịt gia cầm chia sẻ.
Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, việc khai thác các kim loại như lithium, niken và coban để làm pin xe điện đã gây tổn hại cho Trái đất và cơn sốt đối với những mặt hàng như vậy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để giảm thiểu khai thác, nhiều công ty đã bắt tay vào tái chế pin cho xe điện.
Một số pin xe điện sau khi sử dụng vẫn đủ mạnh để được đóng gói lại và bán lại, trong khi một số khác cần được tái chế hóa học. Đáng mừng là tỷ lệ thu hồi kim loại hiếm từ pin dao động từ khoảng 92% đến 99% so với ban đầu và chất lượng pin tái chế gần như ngang bằng với sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu khai thác.
Khi pin xe điện được phổ biến rộng rãi, mỗi thành phố sẽ là một “mỏ đô thị” chứa các kim loại đang chờ được khai thác và tái sử dụng…