Từng bán cơm nắm, buôn bán phế liệu để mưu sinh, giờ đây chị Đỗ Thị Mây tiếp quản xưởng pallet gỗ của bố mẹ, kiêm luôn việc lái xe tải chở hàng, quên đi những ngày cơ cực.
Mẹ đơn thân lái xe tải 8 tấn
Ở thôn Cầu, xã Lạc Đạo (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), ai cũng biết chị Đỗ Thị Mây, người phụ nữ sinh năm 1986 mạnh mẽ và nghị lực. Lấy chồng gần 20 năm nhưng cuộc hôn nhân của chị Mây không được may mắn.
Sau khi sinh 3 đứa con, vợ chồng chị bắt đầu lục đục. Chồng ở nước ngoài, một mình chị gánh vác việc nuôi con nên áp lực càng nặng nề. Dù chịu nhiều tổn thương nhưng vì các con, chị vẫn cố gắng níu giữ gia đình. Chỉ đến khi biết không thể cứu vãn, chị mới quyết định ly hôn.
Hơn 2 năm trước, chị trở thành mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ. Để các con có chốn ăn ở đàng hoàng, chỉ có 200 triệu trong tay, chị liều vay thêm ngân hàng, người thân để mua một ngôi nhà nhỏ trong xã.
Chị Mây làm cả phần công việc của đàn ông. Ảnh: Tú Linh
“Lúc trước tôi làm đủ nghề, từ buôn bán phế liệu, bán cơm nắm cho đến đồ ăn sẵn để kiếm thu nhập lo cho gia đình. Khi tiền bạc không đủ, tôi quyết định theo nghề của bố mẹ, làm ở xưởng phân phối pallet gỗ – công việc chủ yếu dành cho nam giới”, chị kể.
Chị Mây xin bố mẹ cho mình tiếp quản xưởng pallet (các tấm gỗ dùng tạo mặt phẳng để cố định các loại hàng hóa khác). Ban đầu bố mẹ không đồng ý. Nhưng sự quyết tâm của chị đã thuyết phục được bố mẹ. Ông bà nghỉ hưu, một mình chị tự lo liệu. Mỗi tháng chị trích một khoản tiền gửi bố mẹ chi tiêu.Chiếc xe tải 8 tấn đồng hành cùng chị Mây. Ảnh: Tú Linh
6h mỗi ngày, sau khi đưa các con đi học, chị Mây đến chỗ làm. Ngoài việc quản lý, chị kiêm luôn cả việc lái xe nâng, xe tải, vừa để san sẻ công việc với tài xế duy nhất trong xưởng, vừa tiết kiệm được một phần chi phí thuê nhân công.
“Nhiều lần anh lái xe xin nghỉ, không có người làm khiến tôi lo ngay ngáy. Vì vậy, tôi quyết định đi học lái xe tải. Lần nào anh ấy nghỉ, tôi sẽ tự lái xe chở hàng đến các đầu mối. Tôi từng lái xe tải 8 tấn tới các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Nam Định… thậm chí Yên Bái để giao hàng kịp cho khách”, chị nói.
“Lần trước tôi lái chiếc xe 8 tấn, dài 11m đi giao hàng cho khách ở Nam Định, vị khách nhìn thấy tôi thì giật mình. Anh ấy nói không nghĩ một phụ nữ lại có thể lái chiếc xe to như thế suốt chặng đường dài. Tôi cũng bất ngờ khi mọi người phản ứng như vậy bởi đó là công việc hàng ngày của tôi”, chị Mây chia sẻ.
Hiện tại, con gái học lớp 10 của chị đã biết san sẻ, chăm sóc 2 em trai lớp 4, 5 giúp mẹ. Với chị đó là niềm hạnh phúc khó tả.
Giúp đỡ người khó khăn
Bận rộn là thế nhưng mẹ đơn thân vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian tham gia công tác từ thiện. Chị tâm niệm cho đi là nhận lại, nên sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn.Nhiều người bất ngờ vì chị Mây lái chiếc xe tải lớn. Ảnh: Tú Linh
Chị tham gia một nhóm thiện nguyện của xã. Mỗi tháng một lần, nhóm tổ chức phát gạo cho bà con khó khăn.
Gần đây, anh họ của chị mua một chiếc xe cấp cứu, nhận chở bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn miễn phí và rủ chị tham gia cùng. Cảm phục tấm lòng của anh, chị Mây tranh thủ sắp xếp thời gian san sẻ với anh một phần công việc.
Trong hành trình lái xe từ thiện, chị chứng kiến nhiều mảnh đời, nhiều số phận khó khăn và nhận ra làm việc thiện khiến bản thân hạnh phúc. Vì thế, chị và người anh đi cùng chấp nhận bỏ tiền túi ra để lo cho mọi người.
Nhiều người cảm kích tấm lòng của chị đã tặng quà, gửi tiền nhưng chị kiên quyết từ chối. “Làm việc thiện mà nhận tiền của họ thì đâu còn gọi là thiện, là giúp đỡ, sẻ chia nữa”, chị nói.
“Tôi không giàu, cũng vất vả nuôi con nhưng trong tâm luôn thôi thúc mình phải làm việc gì đó giúp người khó khăn hơn. Điều đó không chỉ lan tỏa điều tốt tới mọi người mà còn giúp tôi cảm thấy cuộc sống này luôn ấm áp, yêu thương”, chị Mây bộc bạch.