Nhiều năm qua, bà con nông dân ở phường Cam Linh, TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng giá đỗ, hiện mô hình vừa tạo công ăn việc làm cho các phụ nữ và tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo bà con trồng giá đỗ ở địa phương, sản phẩm giá đỗ hiện nay đang được tiêu thụ mạnh, nhờ đó hầu hết bà con cũng mạnh dạn đầu tư để phát triển mô hình cung cấp cho các khách hàng.
Các hộ trồng giá đỗ phường Cam Linh cho biết, khi làm giá đỗ phải thường xuyên tưới nước mỗi ngày, tưới nước 2 – 3 lần, ban đêm phải tưới thêm. Mỗi lần tưới để cho nước ngập khoảng 5 phút sau thì chắt bỏ hết nước. Khoảng 4 ngày sau khi ủ đậu là có thu hoạch. Giá đỗ sau khi làm ra được cho vào bàn rây để sàng lấy hết phần vỏ ra, sau đó rửa sạch.
Được biết, nghề làm giá đỗ ngoài phát triển ở thị xã Ninh Hòa, thì hiện nay đang được nhiều hộ dân áp dụng tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) theo hình thức trồng trong lu và mô hình đang tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương.
Những lu giá đỗ của nông dân phường Cam Linh, TP.Cam Ranh đang phát triển đều. Ảnh: Công Tâm
Chị Huỳnh Mụi, phường Cam Linh, TP. Cam Ranh cho biết: “Gia đình đã gắn bó với nghề làm giá đỗ hơn 10 năm nay. Nghề làm giá không khó, chủ yếu sử dụng nguồn nước sạch để ngâm đậu hoặc tưới thường xuyên cho các lu. Trong quá trình làm phải chọn nguyên liệu sạch, qua công đoạn rửa đậu cho kỹ. Từ khi nhặt đậu đến lúc cho ra được những cọng giá, trải qua rất nhiều công đoạn, phải tỉ mẩn và cẩn thận mới làm được. Điều đáng nói, toàn bộ quy trình không sử dụng một chút hóa chất nào.
Gia đình chị Huỳnh Mụi hiện đang làm 8 lu giá đỗ, mỗi lu đưa vào 2 kg nguyên liệu đậu xanh, qua các công đoạn ủ giá khoảng 4 ngày, công đoạn này rất quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi lu sau khi ủ cho ra khoảng 16 – 20 kg thành phẩm. Với 8 lu giá ủ, sau khi xuất bán doanh thu đạt trung bình 1,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 600.000 – 700.000 đồng.
Mô hình làm giá sạch của bà Mai Thị Bích Thạnh, 64 tuổi ở phường Cam Linh, TP.Cam Ranh. Ảnh: Công Tâm
Bà Mai Thị Bích Thạnh (64 tuổi, phường Cam Linh) cho hay, gia đình bà là một trong những hộ trồng giá đỗ lâu năm ở địa phương và hiện đã truyền nghề lại cho các con, cháu trong gia đình. Nhờ làm giá sạch nên khách hàng đến hỏi mua liên tục. Gia đình không những cung cấp giá đỗ ở đất liền mà còn cung cấp ở khu vực trên đảo ở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Chị Huỳnh Mụi, phường Cam Linh, TP.Cam Ranh phát triển mô hình trồng giá sạch. Ảnh: Công Tâm
Bà Thạnh cho biết thêm, giá đỗ được gia đình chọn làm theo hướng sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Cứ khoảng 4 ngày ủ cho ra một đợt, sau đó gia đình rửa sạch cho vào từng bịch để cung cấp cho khách hàng. Với khoảng 40 lu gia đình bà Thạnh làm theo hình thức cuốn chiếu, bình quân cung cấp từ 1,5 – 2 tạ giá đỗ/ngày. Hiện tại, gia đình bà bỏ sỉ cho các khách hàng với giá 13.000 đồng/kg, với nghề này gia đình bà đã tạo công ăn việc làm cho 4 lao động.
Đưa giá sạch đi xuất bán cho khách hàng. Ảnh: Công Tâm
Theo Hội Nông dân phường Cam Linh, vừa qua Hội Nông dân đã tổ chức hội nghị thành lập và ra mắt tổ hội nghề nghiệp trồng giá đỗ sạch. Tổ hội trồng giá đỗ sạch được thành lập với 7 thành viên tham gia và hiện đang tiếp tục được nhân rộng cho các hội viên, nông dân khác học tập kinh nghiệm.
Chuẩn bị nguyên liệu đậu xanh để làm giá đỗ. Ảnh: Công Tâm
Tổ hội hoạt động theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng” nhằm nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị. Qua đó, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.