Sử dụng còi xe sao cho đúng pháp luật? Bài viết dưới đây chia sẻ thông tin quy định mới áp dụng về việc sử dụng còi xe từ 1/1/2025.
Khung giờ cấm sử dụng còi xe từ 1/1/2025
Theo Điều 21 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:
Người tham gia giao thông chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện tham gia giao thông đường bộ trong các trường hợp sau đây:
– Báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông.
– Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Không được sử dụng còi xe trong các trường hợp:
– Không sử dụng còi liên tục;
– Không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định;
– Không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
Theo quy định nêu trên, từ ngày 1/1/2025, khi điều khiển xe tham gia giao thông trong khung giờ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trừ xe ưu tiên) thì người điều khiển xe không được sử dụng còi.
Điểm mới về dịch vụ cho thuê xe tự lái từ 1/1/2025, người dân cần nắm rõ
Sử dụng còi xe sai quy định có thể bị phạt theo quy định. Ảnh minh họa: TL
Sử dụng còi xe sai quy định bị xử lý thế nào?
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
– Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng nếu bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
– Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng nếu bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi.
– Phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
(Điểm a, g, Khoản 1; Điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm i, Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
– Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng nếu bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
– Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng nếu bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi.
– Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng nếu bấm còi liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
(Điểm a, n Khoản 1; Điểm c Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:
– Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng nếu bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi.
– Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
(Điểm a Khoản 1, Điểm d Khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Biển báo cấm sử dụng còi là biển báo nào?
Biển báo cấm sử dụng còi.
Biển báo cấm sử dụng còi là biển số P.128.
Biển báo P.128 có nội dung cấm là hình cái còi màu đen và có vạch đỏ chéo chèn lên trên thể hiện điều cấm. Nếu người tham gia giao thông vi phạm biển hiệu này sẽ bị phạt.