Thay vì “còng lưng” gánh những giỏ na nặng trĩu, người dân Chi Lăng nay chỉ mất vài phút để vận chuyển na từ đỉnh xuống chân núi bằng “cáp treo”, vừa tiết kiệm công sức và thời gian, vừa đảm bảo thứ quả đặc sản vẫn đẹp mã, có giá trị kinh tế.
Vùng đất Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn vốn nổi tiếng với loại quả đặc sản là na núi đá. Thứ quả này được trồng trên những núi đá cao hàng trăm mét. Chất lượng quả được đánh giá là vượt trội so với na trồng trên đất thịt.
Cũng vì được trồng trên địa hình hiểm trở nên mỗi khi vào vụ thu hoạch, người dân địa phương thường gặp khó khăn trong công tác vận chuyển na từ đỉnh núi xuống tới điểm thu gom.Na Chi Lăng từng lọt top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam và top 50 đặc sản Việt Nam. Ảnh: Trường Nguyễn
Khoảng chục năm trở lại đây, bằng sự sáng tạo, người dân Chi Lăng đã tự chế tạo hệ thống “cáp treo” chạy bằng động cơ xe gắn máy, để vận chuyển hàng trăm thúng na từ đỉnh xuống chân núi.
Quá trình này được gọi dân dã là tời na, vừa tiết kiệm thời gian và công sức, vừa đảm bảo chất lượng quả vẫn nguyên vẹn, không bị dập nát, tăng giá trị kinh tế.
Người dân Chi Lăng vận chuyển hàng trăm thúng na từ đỉnh xuống chân núi bằng ròng rọc. Quá trình này được gọi là tời na. Ảnh: Hùng VĩAnh Hà, một người dân ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cho biết: “Thực chất đó chỉ là những sợi dây cáp được kéo, đấu nối từ hai điểm là đỉnh núi và chân núi bằng hệ thống bánh ròng rọc, giúp người dân đưa na từ trên núi xuống điểm thu gom”.
Theo anh Hà, những cây na trồng ở địa hình núi đá chỉ 3 năm đã cho quả, nhưng đòi hỏi phải dày công chăm sóc, từ việc vun đất, làm cỏ đến tỉa cành… để quả ra đúng vụ, mã đẹp, to, vị ngọt thơm.Đoạn “cáp treo” dài gần cây số với hai đường dây cáp chắc chắn thiết kế song song giúp việc vận chuyển na thuận tiện hơn. Ảnh: Nếm TV
Loại quả này thường bị ruồi vàng tấn công nên gần đến ngày thu hoạch, người dân phải dùng chai nhựa, phun chất dụ sinh học lên để bắt ruồi.
Khi na chín, người thu hái cần cẩn thận cắt lựa từng quả rồi xếp gọn gàng vào thúng, xô, chậu, sau đó bọc kỹ để vận chuyển xuống núi. Mỗi thúng na chuyển xuống núi nặng từ 20 – 30kg.Cứ hai giỏ na được tời xuống thì hai giỏ rỗng lại được tời ngược lên đỉnh núi. Ảnh: Hùng Vĩ
“Mỗi lượt vận chuyển na bằng cáp treo được tối đa khoảng 70kg. Khi các thúng na được thả xuống, bà con thường dùng đá gõ vào dây tời để báo hiệu cho người trực ở dưới”, anh Hà nói thêm.
Cũng theo người đàn ông này, bà con còn tận dụng hệ thống “cáp treo” đặc biệt này để vận chuyển phân bón lên núi. Nhờ đó, cây na được chăm bón đúng liều lượng, đúng thời điểm nên luôn xanh tốt, cho quả to đều, năng suất cao.
Du khách trải nghiệm hái na ở Chi Lăng. Ảnh: Duyên Nguyễn
Những thúng na tươi được tập kết dưới chân núi. Bà con sẽ phân loại theo kích cỡ, rồi đóng vào thùng xốp. Cứ một lượt na được lót một lượt giấy báo để tránh dập, nát. Tiểu thương chỉ việc cho các thùng na lên xe tải và chở đi khắp nơi.
Tháng 8 hàng năm, vựa na ở Chi Lăng vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, nhiều du khách cũng tìm tới đây để trải nghiệm hái na, thưởng thức thứ quả đặc sản nức tiếng vùng núi đá.Na núi đá ở Chi Lăng hiện được đưa tới nhiều tỉnh thành. Ảnh: Hứa Quốc Thành
Trung bình na Chi Lăng có giá từ 35.000 – 60.000 đồng/kg. Ảnh: Linh Ỉn
Theo nhiều du khách, na núi đá Chi Lăng được yêu thích vì quả to đều, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt. Giống na này được chia thành hai loại là na dai và na bở. Trong đó, na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt, vị ngọt và để được lâu, dễ bóc vỏ hơn. Còn na bở mềm, múi to và nhiều hạt.
Trung bình, tại vườn, na Chi Lăng có giá từ 35.000 – 60.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Với những quả đạt trọng lượng “khủng”, khoảng 1 – 2 quả/kg, khi vận chuyển xuống bán tại Hà Nội, giá dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng, tùy thời điểm.