Bộ Công an đề xuất tịch thu phương tiện đối với các hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe…
Bộ Công an đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo (lần 3) Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe..
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm.
Cụ thể: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
Ngoài việc bị tịch thu phương tiện, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm quy định trên còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 12 điểm.
Bộ Công an đề xuất tịch thu xe máy với trường hợp bốc đầu, thả hai tay, lái bằng chân.
Dự thảo cũng quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
Cụ thể: trong trường hợp không có chứng nhận đăng ký xe hoặc sử dụng chứng nhận đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.
Những hành vi trên không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Các hình thức xử phạt nhằm khuyến khích các chủ xe thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giấy tờ và tăng cường quản lý phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất cơ quan chức năng sẽ phạt một số lỗi liên quan đến giấy tờ xe máy như sau: Đối với những cá nhân, tổ chức không thực hiện thủ tục sang tên xe khi mua, tặng, hoặc thừa kế, mức phạt sẽ dao động từ 400 nghìn – 600 nghìn đồng cho cá nhân, từ 800 nghìn – 1,2 triệu đồng cho tổ chức.
Những trường hợp không thực hiện đúng quy định về biển số xe sẽ bị phạt từ 800 nghìn – 1 triệu đồng cho cá nhân, 1,6 triệu – 2 triệu đồng cho tổ chức.
Ngoài ra, đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với chứng nhận đăng ký, mức phạt sẽ là 100 nghìn – 200 nghìn đồng đối với cá nhân và 200 nghìn – 400 nghìn đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất người điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng (mức cũ từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng).
Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất xử phạt 8-10 triệu đồng với người có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển (mức hiện hành là 600 nghìn – 800 nghìn đồng).
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, chủ yếu là vượt đèn đỏ, diễn ra phổ biến ở Hà Nội và các tỉnh thành. Thời gian vi phạm thường là sáng sớm hoặc ban đêm tại các giao lộ vắng cảnh sát giao thông.