Kết hôn là cột mốc lớn đối với nhiều người và chuẩn bị tài chính thế nào trước khi bước vào hôn nhân là vấn đề mà họ đặc biệt quan tâm. Chuyện tiền nong có thể ảnh hưởng đến mọi lựa chọn tiền hôn nhân, thậm chí có thể khiến nhiều người không muốn kết hôn nếu nhận thấy tài chính còn chưa đủ vững mạnh.
Không dám kết hôn vì chỉ kiếm 20 triệu/tháng
Dương Lê (SN 1995, nhân viên văn phòng) chưa mua được nhà và kiếm được mức lương khoảng 20 triệu/tháng. Cô đồng tình với quan điểm, mọi người cần có tài chính vững rồi mới kết hôn. Hôn nhân không đơn thuần là việc 2 người dọn về sống chung một nhà, mà còn là xây dựng tổ ấm, tính toán đến chuyện có con và nhiều thứ khác. Do đó, với mức lương 20 triệu/tháng, Dương Lê cho rằng bản thân vẫn cần cố gắng nhiều hơn trước khi chính thức tiến đến đám cưới với một ai khác.
Dương Lê chia sẻ : “Với mức lương 20 triệu/tháng, mình chỉ tiết kiệm được 1/3 thu nhập. Mỗi tháng, mình dành 15 triệu để chi tiêu cho chi phí sinh hoạt cơ bản, đầu tư và thỉnh thoảng đi du lịch. Ngẫm nghĩ kỹ hơn, mình thấy mức chi tiêu này chỉ đủ sống chứ không quá dư dả.
Nếu thu nhập của mình vẫn giữ nguyên và gia đình lại xuất hiện thêm một thành viên mới thì số tiền tiêu chí đầu người sẽ giảm xuống. Trong khi thời buổi bây giờ, giá cả có phần đắt đỏ thì chuyện kết hôn, rồi sau đó còn phải tính đến mua nhà và nuôi con sẽ khiến mình áp lực. Trong tương lai, nếu giá cả không tăng quá cao, mình nghĩ bản thân cần kiếm được thu nhập gấp đôi hoặc ít nhất 1,5 lần thì mới kết hôn”.
Ảnh minh họa
Cũng giống như Dương Lê, Đăng Minh (SN 1997) nhận định nếu như ổn định tài chính là điều ai cũng hướng đến, thì tại sao không cố gắng xây dựng nền tảng tài chính tốt để đỡ gặp áp lực tiền nong trước khi bước vào hôn nhân, mà phải đợi kết hôn rồi cả hai cùng cố gắng kiếm tiền?
“Tổng thu nhập của mình dưới 15 triệu đồng. Với tiền lương, mình không dám nghĩ đến việc kết hôn, vì có gia đình nhỏ thì cần phải lo nhiều thứ. Riêng tiền nuôi con đã tốn 7-8 triệu đồng/tháng rồi. Những lúc khó khăn và cần tiền, sau khi kết hôn thì mình không thể mở lời xin gia đình hoặc để vợ con chịu khổ. Nhìn chung, nếu chưa có nhà, thu nhập lại không cao thì kiếm người yêu còn khó, huống chi là kết hôn”, Đặng Minh nói.
Thanh Tâm (SN 1998) cho hay cô bạn đã bắt đầu bị gia đình thúc giục nhanh kiếm người yêu và kết hôn. Song cô cho rằng ở giai đoạn này thì tìm cách gia tăng thu nhập sẽ tốt hơn là tìm kiếm bạn đời.
Cô bạn chia sẻ: “Mình và người yêu hiện tại đều đồng tình quan điểm, khi nào có tài chính vững mới nên tổ chức đám cưới. Trong lúc này, cả hai đều cố gắng làm việc và tích lũy vì mục tiêu chung là sau khi kết hôn có cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy, chứ không phải cãi nhau vì tháng này ai trả tiền ăn, mua cái TV này có ổn không hay muốn đi đâu đó cũng ngậm ngùi chịu cảnh ở nhà”.
Ảnh minh họa
Có bao nhiêu tiền thì mới dám kết hôn?
“Không có một thước đo cụ thể rằng bạn nên kiếm bao nhiêu tiền thì mới nên kết hôn” là quan điểm của Dương Lê. Cô cho rằng, với câu hỏi bao nhiêu được cho là đủ vững, thì câu trả lời còn tùy thuộc vào tài chính và nhu cầu của mỗi người. Về phía Dương Lê, cô nghĩ cả hai nên có công việc ổn định, một khoản tiết kiệm đủ để sinh con là có thể tính đến chuyện kết hôn.
“Tuy nhiên, mình có người bạn kết hôn khi lương chỉ khoảng 15 triệu/người, nhưng cuộc sống vẫn hạnh phúc dù tài chính không quá dư dả. Họ vẫn đang nỗ lực làm việc từng ngày để trả góp căn hộ và chuẩn bị tiền sinh em bé. Bạn mình cũng đồng tình rằng, ở một khía cạnh nào đó, kết hôn có thể mang đến động lực kiếm tiền và quản lý tài chính. Do đó, lương cao hay thấp không phải yếu tố quyết định nhất mà họ tính toán trước khi dự định kết hôn”.
Còn Thanh Tâm cho rằng, tài chính ổn định không nhất thiết phải kiếm được tiền trăm, tiền tỷ mà phải có công việc với thu nhập hàng tháng ổn định, đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính trước khi bước vào hôn nhân. Cô cho rằng, nếu tốt nhất thì cả hai nên cùng gom được tiền mua nhà ngay sau khi kết hôn để không mang quá nhiều gánh nặng tài chính.
“Bên cạnh đó, để cuộc sống hôn nhân bền vững thì cả hai cần có những hoạt động thư giãn như đi du lịch, xem phim, ăn uống tận hưởng cuộc sống,… Mà tất nhiên những hoạt động này thì cần tài chính tốt.
Sự thiếu hụt về tài chính có thể khiến bức tranh hôn nhân không còn màu hồng, thậm chí khiến con cái mình ít đi sự lựa chọn… Theo mình, tiền có thể không phải là tất cả, nhưng nó cho ta nhiều lựa chọn và trải nghiệm hơn trong cuộc sống”, Tâm bày tỏ.