Mẹ chồng – nàng dâu chẳng ưa nhau là chuyện “thường tình như cơm bữa” trong xã hội này. Họ mâu thuẫn từ những chuyện nhỏ nhặt như dọn dẹp nhà cửa cho đến những chuyện lớn lao như tiền bạc, chia đất đai… Mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao thì cuộc sống gia đình càng rơi vào bế tắc.
Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã khuyên cô dâu mới về nhà chồng rằng: “Cô dâu mới về nhà chồng có thể gặp những khó khăn, vì thế nàng dâu phải tuân thủ những nguyên tắc sống trong gia đình nhà chồng, phải kính trọng bố mẹ chồng, phục vụ bố mẹ chồng một cách chu đáo như là bố mẹ ruột của mình, phải tôn trọng và kính mến những người thân và bạn hữu bên nhà chồng, như vậy là cô dâu mới đã tạo nên một bầu không khí an vui và hòa hợp trong gia đình chồng…”.
Đức Phật cũng dạy rằng, để mẹ chồng – nàng dâu hòa thuận, nhà cửa ấm êm thì phải nhớ 4 chữ sau:
CHỮ HIẾU
Đức Phật giảng, trong trăm ngàn việc thiện thì thiện nhất là hiếu, trong trăm ngàn nghiệp lành thì lành nhất là hiếu. Hiếu thuận với cha mẹ là đức hàng đầu của con cái.
Cha mẹ sinh thành, dưỡng dục, chăm lo cho con cái từ khi chưa trưởng thành đến lúc lập gia đình, có cuộc sống riêng. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, chẳng hòng báo đáp. Vậy nên, con dâu về nhà chồng, gọi mẹ chồng một tiếng “mẹ” thì xin hãy hiểu đạo lý này. Mẹ anh ấy mang tới cho mình một người đàn ông vững vàng, khỏe mạnh, chữ hiếu này thay lời cảm ơn, cúng xứng đáng phải không?
CHỮ TÌNH
Làm người sống ở trên đời, không ai thoát khỏi chữ tình. Mẹ chồng – nàng dâu không phải đối thủ của nhau, hãy luôn niệm tình như vậy.
Hai người phụ nữ tranh giành nhau điều gì? Giành nhau tình cảm của một người đàn ông. Nhưng con người đâu phải hàng hóa. Tình cảm không giới hạn, tình mẹ con khác tình vợ chồng.
Người với người bên nhau đã khó, dung hợp nhau lại càng khó hơn. Vậy nên để có mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu hòa hợp, xin cả hai hãy cùng học chữ Nhẫn, cùng thấu hiểu nhau. Mối quan hệ này chỉ trở nên tốt đẹp khi có sự hợp tác từ hai phía, vun đắp tình cảm từ hai phía.
CHỮ ĐẠO
Sống chung với mẹ chồng không dễ, sống chung với con dâu càng khó. Ai cũng nghĩ tới cái khổ của mình nhưng không nghĩ tới cái khổ của người khác, đó không phải là đạo.
Ai cũng dùng lòng tham, lòng chiếm hữu của mình để giành giật một người đàn ông, ấy là sống sai đạo. Ai cũng làm những điều quá quắt, phạm khẩu nghiệp, phạm lỗi dối trá, bất hiếu, thất đức ấy là phạm đạo.
Làm người sống lỗi như vậy khó tìm được hạnh phúc. Con dâu nên coi mẹ chồng là mẹ của mình. Mà cha mẹ thì có quyền và trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo cho con cái trong nhà. Mẹ chồng nên coi nàng dâu là con mà uốn nắn, hướng dẫn chân thành. Hai người cùng sống phải đạo thì đời êm ấm.
CHỮ ĐỨC
Chắc rằng, chúng Phật tử vẫn thường kể nhau nghe câu chuyện thiền sư thấy bọ cạp bị rơi xuống nước liền vớt nó lên bờ. Con bọ cạp phản xạ tự nhiên cắn vào tay vị thiền sư rất đau nhưng ngài không giận dữ.
Vừa đi được vài bước, thấy con bọ cạp lại rơi xuống nước, thiền sư quay lại nhặt nó lên và vẫn bị đốt nhưng cũng chẳng mảy may khó chịu. Có người thấy thế liền hỏi tại sao ngài vẫn cứu con vật dù bị nó làm tổn thương. Thiền sư chỉ nhỏ nhẹ giải thích: đốt người là thiên tính của bọ cạp, cứu vật là thiên tính của ta, tại sao lại vì thiên tính của nó mà thay đổi thiên tính của ta.
Với mẹ chồng, nàng dâu cũng vậy, người tốt với mình thì mình tốt lại không phải đạo lý, sống thế nào cho đúng tâm, đúng đức của mình mới là đáng quý. Suy cho cùng, người có tâm, có đức có thể cảm hóa người khác, sống đời thanh thản nhưng người vô tâm, vô đức thì chỉ gây thêm nhiều phiền muộn mà thôi.