Thời đại công nghệ số thông tin phát triển, việc tìm hiểu, thích ứng và sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin đối với người cao tuổi là điều hữu ích. Mặc dù có những rào cản về tuổi tác, nhưng đa phần người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đang cố gắng tiếp cận với công nghệ hiện đại bởi đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Bà Hà Thị Ngọ, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh đối với người cao tuổi đã trở thành một xu thế mới, giúp họ thay đổi cuộc sống, nhận thức nhanh chóng bắt nhịp với thời đại công nghệ số 4.0, hòa nhập với giới trẻ để không bị lạc hậu.
Đến nay, 80% hội viên nòng cốt của Hội đều sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để tìm hiểu kiến thức, ứng dụng các tính năng của mạng xã hội để giao dịch như: đăng ký hóa đơn điện tử, ứng dụng cài đặt thẻ các ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán trực tuyến…
Qua các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, Hội người cao tuổi tỉnh đã lập nhóm zalo, Facebook với tên gọi “Hội người cao tuổi Tuyên Quang” nhằm tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản, nghị quyết của tỉnh, Hội một cách thuận lợi và dễ dàng.
Ngoài ra, nhóm zalo còn để giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho người già…
Ông Phạm Ngọc Duẫn, chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại Phú (Sơn Dương) nói, ông năm nay đã hơn 70 tuổi, đã có “thâm niên” hơn 10 năm dùng các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, smartphone, ipad, ông hiểu công nghệ rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay và không để mình bị lạc hậu.
Hiện nay, hầu hết hội viên người cao tuổi xã đều biết ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để trao đổi thông tin qua nhóm Zalo, Facebook, gmail.
Mọi người đều bày tỏ quan điểm nhờ làm quen với công nghệ, mạng xã hội nên họ đều hiểu hơn về cách sống, suy nghĩ của thế hệ trẻ, để gần gũi trò chuyện với con cháu, không còn khoảng cách giữa người già và người trẻ.
Bên cạnh đó, ông luôn nhắc nhở mọi người phải hết sức cẩn trọng, khi lựa chọn, khai thác thông tin trên mạng xã hội.
Lãnh đạo Hội Người cao tuổi tỉnh đang gửi văn bản cho các hội viên theo địa chỉ gmail.
Không ít người cao tuổi khi mới tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế do tuổi cao, sức khỏe, mắt kém, tay chậm… nhưng được sự động viên của con cháu, họ cũng dần làm quen và thành thạo sử dụng điện thoại, máy tính hiệu quả.
Bà Bùi Thị Tẹo, 65 tuổi, tổ 9, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, khi mới dùng điện thoại thông minh, chỉ khi nào con gọi thì bà bấm nút nghe, vì mắt cũng mờ nên khó sử dụng.
Nhưng rồi được các con động viên, hướng dẫn, dần dần bà cũng quen. Bây giờ, bà đã chủ động mở máy để gọi con, cháu mỗi khi có việc cần.
Hàng ngày, bà thường vào điện thoại thông minh để tìm hiểu những kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người già và gia đình; cài các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 như Bluezone, quét mã QR để khai báo y tế nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 có nguy cơ bùng phát lại; hoặc trò chuyện với bạn bè lâu ngày không gặp qua zalo; lên kênh Youtube nghe hát chèo, cải lương để giải trí…
Giờ đây, với bà chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng giúp cho tinh thần được thoải mái, giải tỏa căng thẳng, sống vui, sống khỏe bên con cháu.
Ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để mua sắm điện thoại thông minh, người cao tuổi vẫn tiếp cận được với công nghệ thông tin theo nhiều cách khác nhau.
Ông Đặng Văn Dũng, tổ dân phố 9, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho biết, không có điện thoại thông minh nhưng ông tiếp cận công nghệ bằng hình thức dùng máy tính để bàn kết nối mạng internet, lập Facebook để trò chuyện với mọi người cùng chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống.
Có những tin tức gì hay ông và các bạn hưu trí lại cùng nhau thảo luận trên nhóm zalo. Ông thấy cái hay của mạng là một sự kiện diễn ra nhưng có nhiều báo đưa tin, mỗi báo lại khai thác một khía cạnh khác nhau, giúp ông ngồi nhà cũng hiểu được sự việc mà nắm bắt được thông tin một cách khách quan hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi sử dụng công nghệ thành thạo các tính năng của mạng internet để cài đặt các ứng dụng như làm thẻ ngân hàng điện tử, sổ theo dõi sức khỏe trên mạng; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đăng ký khám chữa bệnh thay cho bảo hiểm y tế… bà Nguyễn Thị Tĩnh, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) nói, bà bị mắc bệnh cao huyết áp, trước đây mỗi lần đi khám bệnh lại phải mang thẻ BHYT đi, có những hôm quên thẻ, bà phải thanh toán toàn bộ chi phí, khám chữa bệnh.
Nhưng vài tháng nay có điện thoại thông minh, được cán bộ Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn đăng nhập và sử dụng thẻ BHYT từ phần mềm VssID trên điện thoại thông minh.
Chỉ sau vài phút thao tác quét mã, kiểm tra trên hệ thống các thông tin, đăng ký của bà đã được hiển thị trên hệ thống khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế.
Thay vì việc phải xuất trình thẻ, chứng minh thư và khai thông tin như trước đây, thì thủ tục đăng ký khám chữa bệnh này diễn ra nhanh gọn, khiến bà và nhiều người rất hài lòng. Bà thấy rất tiện ích cho những người già như mình, không bị phiền đến con cháu.
Có thể thấy việc các thiết bị công nghệ thông tin đã hỗ trợ khá nhiều cho người cao tuổi trong cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Hơn nữa còn gắn kết tình cảm gia đình, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe mỗi ngày.