Với thị giá hiện tại, VHM và VIC vẫn nằm trong top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường trong khi Vinhomes và VinFast liên tục có thông tin mới.
Thị trường đóng cửa phiên 10/1 với sự đi lên của chỉ số chính, giữ trên mốc 1.160 điểm. VN-Index vẫn tăng 2,95 điểm tương ứng 0,26% lên 1.161,54 điểm bất chấp sàn HoSE có đến 309 mã giảm giá, 8 mã giảm sàn so với 195 mã tăng, 3 mã tăng trần. VN30-Index tăng 2,47 điểm tương ứng 0,21%.
Sàn HNX có 103 mã giảm, 55 mã tăng, theo đó, HNX-Index giảm 1,09 điểm tương ứng 0,47%; UPCoM-Index giảm 0,58 điểm tương ứng 0,66%.
Trong bối cảnh đó, nhóm Vingroup có sự điều chỉnh nhẹ: VIC giảm 0,7% còn 43.600 đồng/cổ phiếu; VHM giảm 0,7% còn 42.700 đồng/cổ phiếu và VRE giảm 0,2% còn 23.300 đồng/cổ phiếu.
Với các mức thị giá trên, VHM đang xếp thứ 3 về giá trị vốn hóa trên toàn thị trường với giá trị vốn hóa đạt 185.931 tỷ đồng; VIC xếp thứ 5 với giá trị vốn hóa là 166.712 tỷ đồng. Các vị trí thứ 2 và thứ 4 vốn hóa thuộc về BID với 270.201 tỷ đồng và 173.404 tỷ đồng.
Vị trí của VHM và VIC trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường (Nguồn: VDSC).
Liên quan đến nhóm Vingroup, đầu năm nay, Vinhomes và VinFast liên tục có thông tin mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cung cấp cho nhà đầu tư.
Cụ thể, về phía VinFast, hãng xe này vừa công bố ra mắt toàn cầu mẫu xe điện mới nhất – VF 3, nhận đặt hàng sớm ngay trong năm 2024.
Mới đây, ông Phạm Nhật Vượng đã chuyển từ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị VinFast sang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc VinFast, thay cho bà Lê Thị Thu Thủy. Ông Vượng cũng sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành VinFast thay cho bà Lê Thị Thu Thủy chuyển từ vai trò Tổng giám đốc VinFast sang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trên cương vị Tổng giám đốc VinFast, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường.
Về phía Vinhomes, doanh nghiệp này vừa khởi công dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Hải Phòng với quy mô 4.300 căn nhà.
Đại gia bất động sản này cũng mới công bố, xây dựng bổ sung hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có trên toàn quốc. Công ty cũng tiến hành chiến dịch tuyển dụng nhân viên kinh doanh quy mô lớn, sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản.
Theo mô hình mới, Vinhomes sẽ xây dựng khối kinh doanh bán lẻ trực tiếp cho khách hàng (tự doanh). Để đáp ứng sự phát triển của khối, Vinhomes sẽ tích cực tuyển dụng mới hàng ngàn nhân viên kinh doanh, nhằm đáp ứng nhu cầu sắp tới của thị trường.
Trở lại với thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng hôm nay có một phiên giao dịch bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản. Nhóm ngành này cũng là nguyên nhân khiến HoSE “xanh vỏ đỏ lòng”.
Trong top 10 mã có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index thì có đến 9 mã ngân hàng. Riêng VCB đóng góp 2,35 điểm cho chỉ số chính; BID đóng góp 1,9 điểm; CTG đóng góp 1,32 điểm.
Ngoại trừ SSB và TCB điều chỉnh nhẹ, các mã ngân hàng còn lại đều tăng tốt, khớp lệnh cao. TPB tăng 4,2%; CTG tăng 3,3%; BID tăng 2,9%; SHB tăng 2,6%; EIB tăng 2,4%; VPB tăng 2,3%; VCB tăng 1,9%; ACB tăng 1%.
Top cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường phiên 10/1 (Nguồn: VDSC).
Đáng chú ý, đóng phiên hôm nay, cổ phiếu SHB chứng kiến cú bùng nổ thanh khoản với khớp lệnh cao nhất lịch sử, đạt 94,3 triệu cổ phiếu.
Một số mã ngân hàng như VPB cũng đạt khớp lệnh 31,57 triệu đơn vị; STB khớp 25,1 triệu đơn vị; MBB khớp 24,7 triệu đơn vị; TPB khớp 24,2 triệu đơn vị; ACB khớp 17,6 triệu đơn vị; EIB khớp 16,8 triệu đơn vị; CTG khớp 13,9 triệu đơn vị; MSB khớp 12,4 triệu đơn vị.
Nhờ đó, thanh khoản thị trường đạt 993 triệu cổ phiếu tương ứng 20.756 tỷ đồng trên HoSE. Trên HNX, khối lượng giao dịch ở mức 89 triệu đơn vị tương ứng 1.795 tỷ đồng và trên UPCoM là 34 triệu cổ phiếu tương ứng 473 tỷ đồng.