Hiện nay, lái xe công nghệ không còn là công việc kiếm thêm lúc nhàn rỗi mà đã trở thành một nghề, với những rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, lực lượng này đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các gói an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội.
Không chỉ là việc làm tạm thời
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ, bao gồm cả xe máy và ô tô, phần lớn tuổi từ 25 – 35. Nhưng trong số đó, mới chỉ có khoảng 7% người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.
Mới chỉ có khoảng 7% lái xe công nghệ tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Phạm Công
Trong phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ (grab) và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng. Đây còn là giải pháp việc làm tạm thời, linh động đối với lực lượng lao động chính thức trước những biến động của nền kinh tế đang làm tăng tỷ lệ thất nghiệp”.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, lái xe công nghệ chỉ được xem là cộng tác viên, đối tác và không được ký hợp đồng lao động. Chính vì vậy, họ không thuộc trường hợp đóng BHXH bắt buộc.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế việc làm tự do, cần có những hướng dẫn cụ thể về BHXH, BHYT nói riêng, các chế độ an sinh xã hội nói chung cho nhóm đối tượng này.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, nhóm đối tượng này về bản chất tồn tại quan hệ lao động. “Người giao hàng, xe ôm, taxi công nghệ đều làm việc theo dạng hợp đồng liên kết với công ty công nghệ. Đây là một dạng lao động làm việc theo hợp đồng chứ không phải lao động tự do” – bà Trần Thị Diệu Thúy nói.
Cũng trong phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Bí thư Quận 1, TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa lao động trên nền tảng công nghệ với công ty cung cấp dịch vụ.
“Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay là 32% tiền lương của lao động, trong đó lao động đóng 10,5%, doanh nghiệp đóng 21,5%. Lái xe công nghệ đang mang lại quyền lợi cho các công ty nên cần quy định trong dự luật” – bà Trần Kim Yến đề xuất.
Nếu được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, lao động làm việc trên nền tảng công nghệ chia sẻ chỉ phải bỏ một phần tiền, phần còn lại sẽ do công ty công nghệ đóng.
Một số chuyên gia cho rằng, các hãng xe công nghệ đang lợi dụng tâm lý cần việc làm của người lao động, giao kết hợp đồng dưới dạng liên kết. Vì vậy nên chưa đủ cơ sở để bắt buộc doanh nghiệp đóng BHXH cho các tài xế, làm đầy thêm túi của doanh nghiệp, trong khi người lao động không có sự đảm bảo nào nếu gặp rủi ro.
Bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Với các tài xế công nghệ, việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là sự đảm bảo, phòng khi có sự cố xảy ra còn nhận được những chi trả hỗ trợ.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, lái xe công nghệ nằm trong diện người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ Luật Lao động năm 2019.
Anh Trần Hoàng Kiên (38 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Chạy xe công nghệ là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Nếu được đóng bảo hiểm xã hội và nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì chắc chắn tôi sẽ tham gia, để có thêm sự đảm bảo cho tương lai lâu dài”.
Dù chỉ làm bán thời gian và chưa xác định gắn bó lâu dài, nhưng bạn Phạm Trung Hiếu (20 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình rất muốn được tham gia bảo hiểm xã hội để nhận được đầy đủ quyền lợi của một người lao động. Nhưng hiện nay nghề lái xe grab của mình chưa được công ty ký hợp đồng và hỗ trợ đóng bảo hiểm. Việc tự đóng bảo hiểm vẫn vượt quá khả năng chi trả của mình”.
Góp ý về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh: “Đối tượng tài xế công nghệ, cũng như nhóm lao động trên nền tảng công nghệ cần được bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro. Vì vậy, đề nghị Quốc Hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng này vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ”.
Liên quan vấn đề này, trong báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa quy định người lao động trong nền kinh tế việc làm tự do nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc. Vấn đề này mới và rất phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước phát triển.
Chính vì vậy, khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định theo hướng “Việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ”.
“Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.