Để tránh bị mắc kẹt trên đường, nhiều người quyết định chờ đến đêm mới rời Hà Nội về quê nghỉ Tết Dương lịch để đường thông thoáng.
Ùn tắc kéo dài trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) hướng về nút giao Mai Dịch. Ảnh: Hữu Chánh
Sợ về quê ở Ninh Bình lúc chiều muộn dễ tắc đường, khó bắt xe, chị Trương Thị Ly (25 tuổi, quận Đống Đa) xin tan làm lúc 15h để ra bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai đón xe.
Tuy nhiên, lượng phương tiện đổ về đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) quá đông đúc khiến tuyến đường ùn ứ kéo dài. Đến khoảng gần 17h, chị mới đến bến.
“Có khi phải đến hơn 4 tiếng để đi 100km bởi dòng xe xếp hàng dài cả cây số, nhích từng chút một từ Bến xe Giáp Bát hướng ra Quốc lộ 1A” – chị Ly nói.
Đây là lần đầu tiên cô gái 25 tuổi cảm thấy thấy đường về nhà lại xa đến thế.
“Sang năm tôi phải tính phương án xin về sớm hẳn hoặc lùi sang ngày hôm sau, tránh cảnh chen chúc, mệt mỏi như hôm nay” – chị Ly cho hay.
Ùn tắc tại lối lên cầu vượt Mai Dịch, chiều 29.12. Ảnh: Hữu Chánh
Ghi nhận của Lao Động, tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường hướng ra cửa ngõ của Thủ đô bắt đầu từ chiều 29.12.
Tại đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) hướng từ Nhổn về đường Phạm Hùng để ra bến xe Mỹ Đình, tình trạng ùn tắc đã xảy ra từ thời điểm 17h.
Đoạn lên cầu vượt Mai Dịch hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng, tình trạng ùn tắc cũng đã xảy ra. Theo ghi nhận, lượng phương tiện lên cầu lớn, một số xe khách dừng ngay tại lối lên cầu để bắt khách khiến giao thông tại đây vừa ùn tắc vừa hỗn loạn.
Khoảng 19h, 4 làn đường Giải Phóng đoạn giao với bến xe Nước Ngầm luôn đông đúc, lực lượng chức năng tăng cường từ đầu giờ chiều, liên tục phân làn, tránh ùn tắc.
Cùng thời điểm, trên đường Ngọc Hồi nối với Quốc lộ 1A cũ cũng chật kín các phương tiện đổ về các huyện ngoại thành và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình…
Lực lượng chức năng căng mình điều tiết, phân luồng giao thông tại nút giao Mai Dịch. Ảnh: Hữu Chánh
Thấy tình hình ùn tắc nghiêm trọng khi dòng người đổ về các cửa ngõ của Thủ đô, trong chiều 29.12, chị Nguyễn Thị Liên (29 tuổi) quyết định đi xe máy cùng bạn từ Hà Nội về Nam Định lúc 23h ngày 29.12.
Chị thừa nhận nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lái xe vào ban đêm nhưng bù lại việc đi lại sẽ thông thoáng, thuận lợi hơn thay vì vạ vật trên xe hàng tiếng đồng hồ.
Nhiều người dân lựa chọn về đêm muộn để tránh cảnh ùn tắc. Ảnh: Hữu Chánh
Tài xế Nguyễn Mạnh Long (33 tuổi, chuyên tuyến Hà Nội – Hải Phòng) cho biết, nhiều người quyết định về quê trong ngày làm việc cuối cùng để được nghỉ trọn vẹn cả 3 ngày Tết.
Tài xế Long nhận định, từ 15h đến 21h là thời gian ùn tắc kinh khủng nhất bởi lượng người và xe rời Thủ đô về nghỉ Tết rất đông.
Để tránh bị mắc kẹt trên đường, nam tài xế cho rằng người dân, hành khách nên đi chuyến muộn hẳn (21h-22h) hoặc lùi sang ngày hôm sau để việc lưu thông thuận lợi, tránh mệt mỏi vì ùn tắc.
Trao đổi với phóng viên, một số gia đình có ôtô riêng cũng chọn phương án chờ qua nửa đêm để di chuyển về quê ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh… nhằm tránh tránh ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam cũng như nhiều tuyến đường nội đô.