Nhiều lái xe ôtô vào đường vành đai 3 trên cao bức xúc khi thường xuyên gặp cảnh tắc đường lại phải né xe máy cố tình đi sai làn.
Nhiều xe máy ngang nhiên đi vào đường vành đai 3 trên cao. Ảnh Xuyên Đông
Có mặt ở đường vành đai 3 trên cao sáng 21.7, phóng viên ghi nhận nhiều xe máy Grap ngang nhiên dừng trên cao tốc chờ đón khách. Tại phần làn đường ôtô, nhiều xe máy vô tư đi vào luồn lách vô cùng nguy hiểm.
Anh Trần Ngọc Duân (nhà ở Tân Xuân, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) cho biết, khi phải lái xe ra đường, anh luôn tìm cách tránh đường vành đai 3 trên cao, do cung đường này rất hay tắc. Tuy nhiên, khi buộc phải đi vào đường này, nhiều khi anh rất bức xúc vì hay gặp cảnh xe máy luồn lách tạt đầu.
Cùng tâm trạng như anh Duân, chị Hoàng Thị Lan vừa biết lái xe được 1 tháng chia sẻ, khi đi lên đường vành đai 3 trên cao, chị đã phải đi sát làn trong để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chị luôn trong tâm trạng lo lắng vì nhiều xe máy cố tình đi vào làn khẩn cấp hay lấn vào làn ôtô gây sức ép.
Trao đổi với Báo Lao Động về việc xử phạt hành vi xe máy đi vào làn ôtô, luật sư Nguyễn Thị Tình – Phó trưởng Văn phòng luật sư Tinh hoa Việt – cho biết, những tuyến đường được thiết kế dành cho ôtô nếu xe máy đi vào phần đường này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi này sẽ bị phạt tương đối nặng.
Cụ thể, căn cứ khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối tượng điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi này có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.
Nói về tình trạng quá tải đường vành đai 3, ông Lê Kim Thành – Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam – cho biết, hiện nay, tuyến đường Vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành nhưng đã quá tải. Mật độ lưu lượng giao thông trên Vành đai 3 rất lớn, gấp khoảng 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn.
Vào các khung giờ cao điểm tại các lối lên, xuống tại các nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ – Vành đai 3; Đại lộ Thăng Long – Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển… thường xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài; tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra khi có sự cố hoặc khi lưu lượng giao thông gia tăng đột biến vào các ngày nghỉ và dịp lễ, tết.
Ngoài ra, lưu lượng giao thông nội vùng lên tuyến vành đai 3 cũng tăng do tốc độ đô thị hóa, nhà chung cư cao tầng mọc dày đặc hai bên. Trong khi đó, bến xe Mỹ Đình nằm sát đường trên cao nên lượng lớn xe khách từ các tỉnh đi vào trung tâm đã chọn tuyến đường này.
Do vậy, việc đi sai làn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đồng thời là nguyên nhân gây ra ùn tắc đối với tuyến đường vành đai 3 trên cao. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm thời gian tới.