Sự ra đời của dịch vụ giao hàng dường như tất yếu khi Xanh SM tham gia mảng gọi xe 2 bánh. Tuy nhiên hãng sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ nếu muốn có tên trên bản đồ thị phần.
Đầu tháng 12, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) chính thức triển khai Xanh Express, dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện VinFast với hy vọng đón đầu mùa cao điểm cuối năm. Trước mắt, Xanh Express sẽ có mặt tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo đại diện GSM, việc ra mắt Xanh Express thời điểm này hứa hẹn mở ra cơ hội tăng thu nhập cho đội ngũ tài xế, đáp ứng nhu cầu giao/nhận hàng tăng cao của người dùng. Thời gian tới, công ty dự kiến mở rộng các tính năng như hẹn giờ giao hàng, ghép đơn, giao vận sản phẩm đặc thù… cũng như hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh.
Sân chơi đông đúc
Trên mạng xã hội cá nhân, Tổng giám đốc GSM Nguyễn Văn Thanh cho biết Xanh Express sẽ tập trung vào mảng giao hàng siêu tốc (on-demand), đồng thời khẳng định lĩnh vực này vốn là sân chơi của nhiều cái tên quen thuộc, nhiều kinh nghiệm như Grab hay Ahamove.
Giao hàng on-demand, hay còn được biết đến với thuật ngữ on-demand delivery, giữ vai trò kết nối giữa người mua và tài xế ở vị trí gần nhất, giúp việc vận chuyển đơn hàng nhanh với chi phí tối ưu nhất trong phạm vi nhất định, thường là trong một tỉnh hoặc thành phố.
Ưu điểm của dịch vụ là giúp khách hàng chủ động lựa chọn thời gian, vị trí nhận hoặc giao hàng cũng như có thể thay đổi linh hoạt tùy ý.
Tính chất của giao hàng on-demand cũng giúp người dùng dễ dàng phân biệt với hoạt động e-logistics, vốn là thị trường của những doanh nghiệp chuyên giao vận hàng hóa thương mại điện tử như ViettelPost, Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm hay J&T.
Các ứng dụng gọi xe đều có riêng dịch vụ giao hàng. Ảnh: be Group, Grab.
Khác giao đồ ăn, lĩnh vực đang bị hai ứng dụng ngoại là Grab và ShopeeFood thống trị, thị phần giao hàng on-demand được chia ra cho nhiều đối thủ khác nhau. Bên cạnh 3 ông lớn là Grab, Gojek và be, người dùng cũng không lạ lẫm gì với Ahamove, Lalamove hay HeyU (trước là Săn Ship).
Hồi tháng 8, ShopeeExpress thay đổi bộ nhận diện sang thương hiệu mới là SPX. Nhân cơ hội này, hãng cũng chen chân vào mảng giao hàng on-demand để gia tăng độ phủ sóng.
Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, việc các doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm cơ hội trong mảng giao hàng on-demand là tất yếu, đặc biệt khi nắm trong tay lực lượng tài xế đông đảo.
Ngoài đối tượng nhỏ lẻ, nhóm khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh có mong muốn giao hàng siêu tốc cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho các ứng dụng.
Nhu cầu này khiến giao hàng siêu tốc dần trở thành miếng bánh hấp dẫn, đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh giữa các ứng dụng, buộc nhà cung cấp phải chạy đua dịch vụ nhằm lôi kéo người dùng, đối tác.
Điển hình như GrabExpress có thêm dịch vụ mua hàng hộ từ bách hóa hay nhà thuốc, Ahamove có giao hàng không gấp 2 giờ hoặc 4 giờ với chi phí rẻ hơn. Một số ứng dụng còn mở rộng ra mô hình giao hàng bằng xe ba gác, xe van, xe tải.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp e-logistics cũng đang xây dựng thêm kênh giao hàng siêu tốc để tạo lợi thế, hạn chế chia sẻ thị phần với đối thủ.
Thách thức tứ phía
Sau 7 tháng hoạt động, mảng gọi xe Xanh SM của GSM đã có 7 dịch vụ. Với riêng mảng gọi xe 2 bánh, hãng đặt mục tiêu phủ sóng tại 5 tỉnh, thành phố với số lượng tài xế lên đến 60.000-90.000 người.
Nếu so sánh với quy mô lực lượng của những đối thủ như Grab 200.000 tài xế, Gojek 200.000 tài xế, be 300.000 tài xế hay Ahamove 100.000 tài xế, con số 60.000-90.000 của Xanh SM vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Tuy nhiên, các ông lớn từng tốn 5-6 năm để xây dựng đội xe như hiện tại. Do đó, nếu đạt được kế hoạch trên trong năm sau, Xanh SM sẽ tác động đáng kể tới thị trường gọi xe công nghệ nói chung và giao hàng nói riêng.
Xanh SM cạnh tranh trực tiếp với đối thủ thông qua giá cước dịch vụ. Ảnh: Xanh SM.
Để đánh chiếm thị phần, hãng đang triển khai chính sách giá dịch vụ cạnh tranh, theo công bố là 14.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.000 đồng cho các km tiếp theo.
Trong khi đó, beDelivery đang có mức cước tối thiểu 2 km đầu tiên là 15.752 đồng/2 km đầu tiên và 5.415 đồng/km tiếp theo (áp dụng tại Hà Nội). Ahamove có giá cước 20.000 đồng/3 km đầu tiên và 5.500 đồng/km tiếp theo.
Câu hỏi đặt ra là liệu Xanh Express có đem lại nguồn thu như kỳ vọng với mức giá cước thấp đến vậy. Và liệu hãng có thể duy trì chính sách giá này trong bao lâu khi các ông lớn như Grab cũng luôn sẵn sàng “đốt tiền” để kéo người dùng?
Bên cạnh chiến lược giá, điểm đặc biệt khác của Xanh Express là toàn bộ hoạt động giao hàng đều sử dụng xe điện. Việc bắt kịp xu hướng xanh hóa, thân thiện với môi trường giúp hãng có lợi thế hơn khi Grab hay Gojek vẫn còn trong giai đoạn thí điểm sử dụng xe điện.
Song, đây cũng có thể là bất lợi cho Xanh Express khi hiệu suất, khả năng vận chuyển hàng hóa bằng xe điện VinFast vẫn đem lại nhiều nghi ngại.
Dù việc ra mắt dịch vụ giao hàng đều nhận được sự ủng hộ, trên các hội nhóm tài xế Xanh SM, vẫn có nhiều trường hợp tỏ ra e dè, lo lắng mỗi khi vận chuyển hàng hóa của kích cỡ lớn, nặng hay dễ dàng gây xước phương tiện với tâm lý sợ đền bù, tốn chi phí sửa chữa.